Giá BĐS giảm nhưng vẫn còn cao
Sau giai đoạn phát triển “nóng”, giá BĐS Đà Nẵng đã giảm nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, điều này khiến người dân khó tiếp cận. Hiện nay, nhu cầu của người mua ở thực, đặc biệt là những người thu nhập trung bình và thấp vẫn luôn thường trực ở phân khúc đất nền và căn hộ, trong bối cảnh đô thị hóa tăng nhanh, nguồn cung các sản phẩm ngày càng khan hiếm.
Chị Nguyễn Bảo Ngân (SN 1987, ở Đà Nẵng) cho biết, 2 vợ chồng đều làm công chức tiết kiệm được gần 100 triệu đồng. Sau 10 năm lập nghiệp, gia đình chị tiết kiệm được khoảng một tỷ đồng. Từ khi dịch bùng phát đến nay, giá BĐS ở Đà Nẵng “xuống dốc”, vợ chồng chị Ngân quyết định đi mua đất làm nhà nhưng vẫn chưa được. “Hiện giá đất ở khu vực Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), Phước Lý (Liên Chiểu) ở mức 2,7-3 tỷ đồng/100m2. Với số tiền tích lũy được, gia đình tôi chỉ có thể mua được một lô đất ở khu vực nông thôn huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, nếu mua đất ở khu vực này thì xa trung tâm, khó khăn trong việc đi làm, đưa đón con đi học. Do đó, mục tiêu mua đất làm nhà ở thành phố vẫn còn xa vời”, chị Ngân than thở.
Chị Bùi Hoàng Cúc (SN 1990, quê ở Nghệ An) cùng chồng và hai con nhỏ thuê nhà trọ tại quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng gần 8 năm nay. Theo chị Cúc, thời gian qua, gia đình muốn mua một căn nhà ở xã hội để phù hợp với túi tiền, tuy nhiên gia đình chị lại không đủ điều kiện để mua loại nhà này vì cả 2 vợ chồng đều là lao động tự do, không thuộc đối tượng mua nhà theo quy định của TP. Đà Nẵng. “Cũng như bao người ngoại tỉnh khác, tôi muốn giá đất, nhà ở giảm để phù hợp với túi tiền của người thu nhập thấp hoặc trung bình. Dù dịch COVID-19 đã khiến giá BĐS giảm nhưng với mức giảm như vậy thì vẫn là quá sức so với thu nhập của chúng tôi”, chị Cúc nói.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, nhiều chuyên gia cho rằng, chính quyền TP. Đà Nẵng cần kiểm soát tốt giá BĐS, ngăn chặn các tình trạng gom đất, đầu cơ, đẩy giá đất tăng cao như những năm qua. Đồng thời, TP. Đà Nẵng cũng nên có chủ trương phát triển các dự án nhà ở cho người dân có thu nhập thấp, kèm theo đó là các chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất đối với người mua nhà, đất để ở.
BĐS sẽ trở lại mạnh mẽ
Đại dịch COVID-19 thời gian qua đã khiến thị trường BĐS Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng bị chững lại, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp tin rằng đây chỉ là tạm thời và thị trường BĐS sẽ trở lại mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát. Ông Trần Ngọc Thái, Phó Tổng giám đốc Khối Đầu tư, Công ty CP Đất Xanh Miền Trung nhận định, khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ sôi động trở lại.
Theo ông Thái, yếu tố quan trọng nhất là vấn đề về giá.Một khi giá BĐS tại Đà Nẵng có những điều chỉnh hợp lý so với thực tế, các nhà đầu tư sẽ “bung tiền” mạnh mẽ hơn. Thực tế, tại Đà Nẵng, các yếu tố đang giúp cho thị trường BĐS phát triển tốt hơn như: Chiến dịch tiêm vaccine được triển khai cho người dân, nguồn cung thị trường BĐS ổn định, nhu cầu của khách hàng lớn… “Với những yếu tố này, tôi tin thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát”, ông Thái nhận định.
Ông Nguyễn Phước Lê Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ Phần Trung Nam (Trungnam Land) cho biết, thị trường BĐS Đà Nẵng gần đây có sự thanh lọc mạnh mẽ khi có nhiều chủ đầu tư tiềm lực lớn, uy tín với các dự án hấp dẫn. Đây là cơ hội để khách hàng có thể tiếp cận được những dự án chất lượng. “Khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngoài du lịch, BĐS sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tiên được khôi phục”, ông Hưng nói.
Tháo gỡ “nút thắt” về chính sách
Các doanh nghiệp BĐS cho rằng, rào cản về cơ chế, chính sách, nhất là chính sách tài chính, đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hiện còn thiếu nhất quán, chưa rõ ràng. Việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung BĐS, kéo theo lượng giao dịch BĐS. Do đó, chính quyền địa phương cần tìm ra lời giải cho những bài toán này, để thị trường BĐS Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ông Vũ Cao Giang, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Chu Lai Hội An cho biết, chỉ có sản phẩm an toàn về pháp lý, minh bạch về quyền sở hữu mới có thể giành được sự tin tưởng của các đối tác và sự an tâm của khách hàng. Tuy vậy, các thủ tục để hoàn thiện pháp lý cho dự án cũng mất rất nhiều thời gian, khiến cho các dự án thường bị chậm trễ tiến độ.
“Các quy trình pháp lý cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá trên thị trường”, ông Giang kiến nghị.