Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, song bất động sản công nghiệp vẫn là “điểm sáng” trên thị trường với tăng trưởng tích cực. Nhiều “ông lớn” tiếp tục đổ tiền vào bất động sản công nghiệp, với các dự án quy mô cho thấy tiềm năng lớn của phân khúc này trong năm 2022. Cộng với nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam không ngừng tăng sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của phân khúc này.
Theo JLL (thành viên tập đoàn tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle), Việt Nam được đánh giá là điểm dừng chân lý tưởng cho các nhà đầu tư, bởi Việt Nam đang có nhiều điểm thu hút buộc các nhà đầu tư phải “mạnh tay” chi tiền vào bất động sản công nghiệp.
Ghi nhận trong quý I/2022 tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp phía Bắc duy trì ở mức 80%, tăng nhanh so với mức 75% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng xây sẵn cũng tiếp tục ở mức cao, đạt 98%.
Cùng với đó, giá thuê đất và nhà xưởng đạt 109 USD/m2/chu kỳ thuê vẫn giữ đà tăng nhanh với mức tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt mức 4,7 USD/m2/tháng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Dòng vốn FDI chảy vào bất động sản khu công nghiệp và hoạt động sản xuất ở phía Bắc thể hiện mức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý vừa qua. Đơn cử như các dự án VSIP Bắc Ninh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD, dự án nhà máy chế tạo của Tập đoàn Goertek tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh tăng vốn gần 306 triệu USD.
Giá thuê đất khu công nghiệp trung bình ở mức 109 USD/m2 mỗi chu kỳ thuê, giảm nhẹ so với quý trước do giá thuê ưu đãi hơn tại một số vị trí kém thuận lợi và muốn đẩy nhanh tốc độ lấp đầy. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giá thuê vẫn giữ đà tăng nhanh với mức tăng 9,2%. Trong khi đó, giá thuê nhà xưởng xây sẵn không đổi theo quý, đạt mức 4,7 USD/m2 mỗi tháng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về triển vọng thị trường, JLL dự báo, thị trường phía Bắc tiếp tục sôi động với nhiều dự án mới. Năm 2022, việc mở cửa đường bay và áp dụng hộ chiếu vắc-xin để phục hồi nền kinh tế cùng với các nỗ lực thu hút đầu tư từ các địa phương, thị trường công nghiệp phía Bắc được dự đoán sẽ tiếp tục là lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, nguồn cung trong năm 2022 hứa hẹn sẽ dồi dào khi các tỉnh giáp Hà Nội đều có kế hoạch triển khai khu công nghiệp trên địa bàn. Điển hình là việc khu công nghiệp Xuân Cầu, Hải Phòng đã được Khu kinh tế Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư. Cùng lúc, các khu công nghiệp Bình Giang 2, Thanh Hà và Kim Thành đã được bổ sung vào quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương. Tại Hưng Yên, khu công nghiệp số 5 đã được phê duyệt quy hoạch 1/500.
Tại miền Nam, giá thuê vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ và thiết lập đỉnh giá trung bình mới là 120 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 9% so với cùng kỳ năm trước) nhờ vào làn sóng đầu tư FDI mới đổ vào Việt Nam sau khi Việt Nam được tái mở cửa và nhu cầu mở rộng sản xuất của những doanh nghiệp hiện hữu. Trong đó, giá thuê nhà xưởng xây sẵn tương đối ổn định ở mức trung bình 4,8 USD/m2/tháng cho toàn khu vực.
Các dự án được dự báo sẽ gia nhập thị trường đã chính thức được đi vào hoạt động, giúp nguồn cung đất khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn cũng tăng trưởng đáng kể trong quý I/2022.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, so với các nước lân cận trong khu vực, Việt Nam đang ở một vị thế khá thuận lợi trong thu hút FDI. Giá bất động sản công nghiệp vẫn tương đối phải chăng nếu đặt lên bàn cân với các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, hay Ấn Độ.
“Chúng tôi nhận thấy nhiều dự án mới đang được bổ sung vào nguồn cung tương lai. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng tới chi phí đất đai. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, vấn đề nằm tại lực lượng lao động, bao gồm chất lượng tay nghề, môi trường làm việc và phúc lợi xã hội. Với nhiều cơ hội việc làm và phát triển, giá nhân công tại Việt Nam ở mức tương đối trong khu vực. Hơn thế nữa, vì khung pháp lý tương đối đơn giản, các doanh nghiệp cũng cảm thấy thoải mái khi đầu tư vào và làm việc tại Việt Nam”, ông Matthew Powell nhận xét
Việc các doanh nghiệp có danh tiếng lựa chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng vốn FDI, đồng thời, làm tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh những tập đoàn lớn, Việt Nam cũng thu hút vốn FDI từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, hậu cần. Thị trường vẫn được đánh giá khả quan, với nhiều tiềm năng rất lớn, có cơ hội thu hút nhiều ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao.