Bất động sản bán lẻ và công nghiệp khởi sắc

0
155

Colliers Việt Nam vừa công bố Báo cáo thị trường Bất động sản Việt Nam quý I/2022, trong đó tập trung phản ánh tổng quan kinh tế Việt Nam và các xu hướng chính trên thị trường bất động sản Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Thông tin cho thấy, GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của quý I/2021 và năm 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất của quý I trong 5 năm trở lại đây.

Hoạt động kinh doanh đang sôi động trở lại, nhất là trong lĩnh vực tài chính, vận tải, bán buôn và bán lẻ. Số lượng khách quốc tế tăng nhanh, đạt 91.000 lượt trong quý đầu năm 2022, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các chỉ số kinh doanh đều có xu hướng tăng trong ba tháng qua, cho thấy sức sống của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch.

Trong quý I/2022, các hoạt động kinh doanh đã khởi sắc hơn ở hầu hết các lĩnh vực. Thị trường bất động sản cũng chứng kiến các dấu hiệu phục hồi sớm, đặc biệt là ở mảng bất động sản công nghiệp và bán lẻ, được thể hiện trong báo cáo quý I/2022. 

Thị trường bán lẻ TP. Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực trong quý I/2022 và dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay. Các thương hiệu như Uniqlo, Muji, Con Cưng… đang mở rộng hoạt động kinh doanh.

Đáng chú ý, nhiều mô hình bán lẻ mới đã xuất hiện, bao gồm mô hình ‘Multi-store’, mô hình ‘Mini-mall’, mô hình ‘All-in-One’ và mô hình ‘Outlet Mall’.

Tại Hà Nội, giá thuê tiếp tục giảm so với quý trước. Các dự án quy mô lớn như Vincom Megamall Smart City, Lotte Ciputra Mall dự kiến ra mắt vào năm 2022, bổ sung 268.000m2 diện tích cho thuê vào thị trường.

Tại Đà Nẵng, không có nguồn cung mới nào được ghi nhận và giá thuê thấp hơn quý trước. Tuy nhiên, thị trường Đà Nẵng đang trên đà hồi phục, với các dự án sắp triển khai và tiềm năng từ nguồn khách du lịch và các nhà đầu tư. 

Bà Trang Đỗ, Trưởng phòng Kinh doanh – Dịch vụ Bán lẻ, Colliers Việt Nam cho biết: “Thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam ghi nhận nhiều diễn biến trong quý vừa qua, các chuỗi trong nước đang mở rộng mạnh mẽ, nhiều thương hiệu quốc tế mới đang tìm cách gia nhập thị trường và các thương hiệu cao cấp đang lên kế hoạch mở rộng quy mô.

Với thị trường cho thuê mặt bằng, các vị trí đẹp ở những cung đường lớn, thuộc khu vực trung tâm luôn có các nhãn hàng lớn đặt hàng và sẵn sàng trả chi phí đầu tư hợp lý để sở hữu, nhằm đón đầu nhu cầu mua sắm tăng trưởng sau dịch.

“Chúng tôi kỳ vọng sự hồi sinh của hoạt động du lịch sẽ thúc đẩy sự phục hồi của bất động sản bán lẻ Việt Nam trong năm nay”, bà Trang Đỗ chia sẻ.

Cùng với bán lẻ, phân khúc bất động sản công nghiệp đang có triển vọng tốt. Thị trường bất động sản công nghiệp Hà Nội ghi nhận mức tăng trưởng tốt và ổn định cho đến nay. Với tỷ lệ lấp đầy 90% và giá thuê trung bình 142 USD/m2/kỳ hạn, Hà Nội đang dẫn đầu thị trường bất động sản công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam.

Thị trường bất động sản công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh vẫn ổn định với tỷ lệ lấp đầy 90% và giá thuê trung bình ở mức 190 USD/m2/kỳ hạn. Có 5 khu công nghiệp mới có kế hoạch cung cấp hơn 4.200 ha trong năm 2022, tuy nhiên thời điểm chính xác vẫn chưa được công bố chính thức.

Tại Đà Nẵng, không có nguồn cung mới nào trong quý đầu tiên, tuy nhiên, năm 2022 sẽ là một năm đầy hứa hẹn do các khu công nghiệp mới có thể bắt đầu hoạt động trong những tháng tới. Giá thuê trung bình là 85 USD/m2/kỳ hạn và tỷ lệ lấp đầy đạt 90%.

Theo ông Chí Vũ, Trưởng phòng Kinh doanh – Dịch vụ Khu công nghiệp, Colliers Việt Nam, nắm bắt xu hướng đa dạng hóa sản xuất và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các khu vực vệ tinh như Bình Dương, Long An, Đồng Nai ở phía Nam và Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh ở phía Bắc sẽ là điểm nóng thu hút các nhà đầu tư.

Các ngành kho bãi, hậu cần, thương mại điện tử có thể là động lực tăng trưởng chính của bất động sản công nghiệp trong năm nay.

Cùng với bán lẻ và phân khúc bất động sản công nghiệp thì phân khúc văn phòng và căn hộ dịch vụ đang tiến triển. 

Dù không có thêm nguồn cung mới, thị trường bất động sản văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh có nhiều cải thiện trong quý I/2022. Nguồn cung văn phòng hạng A dự kiến sẽ nở rộ trong năm nay, còn nguồn cung văn phòng hạng B và C cũng tăng trưởng ổn định. Các dự án mới tập trung chủ yếu ở quận Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức.

Trong khi đó, thị trường văn phòng Hà Nội không có nhiều biến động so với quý trước. Thị trường đang kỳ vọng khoảng 140.000m2 văn phòng mới trong năm nay và hơn 110.000m2 từ năm 2023 trở đi, chủ yếu ở khu vực Ba Đình – Đống Đa và phía Tây thủ đô.

Năm 2022, công nghệ thông tin, sản xuất, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là những ngành chủ chốt thúc đẩy nhu cầu văn phòng.

Tại Đà Nẵng, giao dịch cho thuê có dấu hiệu sôi động trở lại và xu hướng thuê không gian làm việc chung (co-working space) đang gia tăng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, bảo hiểm và giáo dục đang muốn có thêm trụ sở tại thành phố này.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTập trung cải cách quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế
Bài tiếp theo“Thị trường vừa qua đã đi vào vùng quá bán”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây