Tham dự Hội thảo có ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính); TS. Andreas Kerst – Vụ trưởng Vụ Tư nhân hóa, góp vốn và Bất động sản Liên Bang Đức (Bộ Tài chính Cộng hòa Liên bang Đức) cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các DN và các đại biểu quốc tế, các chuyên gia đến từ Cộng hòa Liên bang Đức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, một trong những nhiệm vụ chủ yếu để nâng cao hiệu quả của DNNN là đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý DNNN.
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong hoạt động quản trị DN, đặc biệt đối với các DN niêm yết. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá của Diễn đàn các thị trường vốn ASEAN, chất lượng quản trị DN của Việt Nam đang ở mức thấp. Mặc dù Việt Nam đã áp dụng bộ Quy tắc quản trị DN của OECD từ rất sớm nhưng với kết quả thực tiễn đánh giá như trên cho thấy cần thiết phải xây dựng bộ Quy tắc quản trị DN quốc gia của Việt Nam phù hợp với đặc điểm, tình hình DN của Việt Nam và hỗ trợ cho các DN nâng cao năng lực quản trị hướng đến phát triển bền vững.
Hiện nay, quản trị DN tại Việt Nam nói chung và khu vực DNNN chỉ ở khâu “làm quen”, triển khai bước đầu, việc xây dựng các quy chuẩn quản trị DN chưa được chuẩn hóa theo lộ trình, định hướng chung của Nhà nước. Vì vậy, Cục Tài chính DN đã phối hợp với Vụ Tư nhân hóa, góp vốn và Bất động sản Liên bang Đức (Bộ Tài chính Cộng hòa Liên bang Đức) từ giai đoạn 2016 đến nay nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thông lệ quản trị DN đối với DNNN của OECD.
Cục trưởng Đặng Quyết Tiến cho hay, trong khuôn khổ Hội thảo, Cục Tài chính DN giới thiệu tới các đại biểu 02 ấn phẩm về quản trị công ty trong DNNN: Bộ Công cụ đào tạo về quản trị công ty trong DNNN (gọi tắt là Bộ công cụ) và Cẩm nang về quản trị công ty trong DNNN theo thông lệ quốc tế tốt nhất (gọi tắt là Cẩm nang quản trị công ty).
Chia sẻ tại Hội thảo về các nguyên tắc quản trị công ty trong DNNN, ông Mathias Nehm – Trưởng Dự án GIZ cho biết, việc hoàn thiện khung khổ tổng quát cho các DN, đặc biệt là DNNN là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nước mà chỉ mới gần đây bắt đầu gia nhập thị trường thế giới và sẵn sàng tăng cường thêm quá trình gia nhập này.
Ông Mathias Nehm nhấn mạnh, Việt Nam có một nền tảng pháp lý vững chắc khi Nhà nước đã nhanh chóng ban hành các luật để hình thành môi trường kinh doanh tổng quát và khung pháp lý cho các DN có sự tham gia của Nhà nước, bao gồm: Luật DN số 59/2020/QH14; Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN số 69/2014/QH13; Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện các quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước…
Ông Mathias Nehm cho rằng, khi thực hiện quản trị DNNN ở Việt Nam thì cần thiết phải mô hình hóa Hội đồng thành viên theo một “Ban giám đốc” và có chức năng tương ứng với một đại hội cổ đông. Tuy nhiên, để tăng tính độc lập của các thành viên của Hội đồng thành viên và tăng tính toàn vẹn của hệ thống quản trị thì có ít nhất 1/3 số thành viên của Hội đồng thành viên là các thành viên độc lập.
Cùng với đó, việc thành lập Ban Kiểm soát bên cạnh Hội đồng thành viên là vô cùng cần thiết. Ban Kiểm soát này chính là cơ quan tham vấn góp phần quản trị DN tốt nhất, về cơ cấu phải bao gồm các chuyên gia độc lập, không chỉ kiểm soát các quy định của Ban Điều hành mà còn tham vấn chuyên môn cho bộ máy quản lý về các hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Andreas Kerst – Vụ trưởng Vụ Tư nhân hóa, góp vốn và Bất động sản Liên bang Đức cho biết, quan điểm của Đức trong tiến trình tham gia nền kinh tế thị trường là để các công ty, DN tư nhân tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và Nhà nước chỉ tham gia vào quản trị các công ty, DN khi cần thiết. Trong nền kinh tế thị trường thì rủi ro kinh doanh phải do tư nhân tự chịu trách nhiệm.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, TS. Phan Đằng Chương – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho hay, trách nhiệm chính của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu bao gồm thiết lập các ưu tiên chính sách như: Xác định nhiệm vụ chung của DNNN; xác định các ưu tiên ngắn hạn và trung hạn; chính sách phân phối lợi nhuận; khung tài chính và truyền đạt các mục tiêu hoạt động. Từ đó, yêu cầu Hội đồng thành viên DNNN chịu trách nhiệm tương tự, đồng thời, Hội đồng thành viên của DNNN cần thực hiện chức năng giám sát, quản lý và chỉ đạo chiến lược theo các mục tiêu mà Chính phủ và cơ quan sở hữu đặt ra.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia chia sẻ về một số nội dung khác như: Quản lý cổ đông đại chúng; Triển khai áp dụng quản trị công ty trong DNNN – từ góc nhìn của đơn vị đào tạo về quản trị công ty tại Việt Nam; Triển khai áp dụng quản trị công ty trong DNNN – từ góc nhìn của chuyên gia tư vấn tăng cường năng lực quản trị của công ty tại Việt Nam…
Hội thảo giới thiệu 02 ấn phẩm về quản trị công ty trong DNNN:
Bộ công cụ đào tạo về quản trị công ty trong DNNN: Bộ công cụ này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về một chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy thực tế dành riêng cho DNNN. Bộ công cụ cho phép các tổ chức đào tạo khác nhau sử dụng, chẳng hạn như các tổ chức đào tạo của Chính phủ, Hiệp hội quản trị công ty và các tổ chức nghề nghiệp hoặc trường đại học…
Cẩm nang về quản trị công ty trong DNNN theo thông lệ quốc tế tốt nhất: Mục đích của Cẩm nang là cung cấp các nguyên tắc và khuyến nghị về thông lệ trong quản trị công ty đã được đúc rút từ kinh nghiệm quốc tế của các quốc gia có thành tựu lâu đời trong lĩnh vực này. Đây được coi là nỗ lực mới nhất của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hình thành khung quản trị để hỗ trợ các DNNN từng bước tiếp cận và vận dụng các tiêu chuẩn quản trị DN của quốc tế.