Báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á do ADB vừa công bố nhận định: Lãi suất trái phiếu tại thị trường Đông Á mới nổi phân hóa do những yếu tố thị trường cụ thể, trong khi sự không chắc chắn về đại dịch Covid-19 và những quan ngại về áp lực lạm phát dẫn tới tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Theo ADB, từ ngày 28/2 tới ngày 21/5, lãi suất trái phiếu Chính phủ ngắn hạn (2 năm) giảm đáng kể trong bối cảnh các điều kiện thanh khoản phù hợp. Trong khi đó, việc phục hồi không đồng đều và các điều kiện kinh tế cơ bản ở từng thị trường cụ thể đã khiến lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn (10 năm) có sự phân hóa trong khu vực. Trung Quốc; Hồng Kông – Trung Quốc; Indonesia và Việt Nam công bố giảm lãi suất trái phiếu chính phủ cả ngắn hạn và dài hạn, trong khi Hàn Quốc, Malaysia và Philippines công bố mức tăng.
Theo thống kê lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam cả ngắn hạn và dài hạn đều giảm trong quý I/2021. Cụ thể, do lượng trái phiếu Chính phủ đang lưu hành sụt giảm, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam đã giảm 0,3% so với quý trước. Trái phiếu bằng đồng nội tệ trên thị trường bao gồm 82,1% trái phiếu Chính phủ và 17,9% trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong các phiên gọi thầu trái phiếu Chính phủ của Việt Nam gần đây, lãi suất trúng thầu cũng giảm khá mạnh, đặc biệt tại các kỳ hạn 5, 10 năm với mức giảm từ 0,02-0,09%/năm.
Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Đông Á mới nổi đã đạt 20,3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3 năm nay. Tăng trưởng của thị trường trái phiếu ở mức khiêm tốn trong quý I/2021, đạt 2,2% so với mức tăng 3,1% cùng kỳ năm ngoái, do các chính phủ trong khu vực tìm cách cân bằng chính sách tài khóa và khu vực tư nhân vẫn thận trọng trong bối cảnh các đợt bùng phát mới và việc triển khai tiêm vắc-xin không đồng đều.
Quy mô thị trường trái phiếu Đông Á mới nổi tương đương 96,4% tổng sản lượng kinh tế của khu vực trong quý I/2021. Trái phiếu chính phủ trong thị trường Đông Á mới nổi đạt tổng giá trị 12,6 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3, chiếm 61,8% tổng lượng trái phiếu của khu vực. Trung Quốc vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất của khu vực, chiếm 77,8% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành của Đông Á mới nổi.
Các thị trường trái phiếu bền vững trong khu vực ASEAN cùng với Trung Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc; Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt tổng giá trị 301,3 tỷ USD vào cuối quý I, tăng 13,2% so với quý trước và 44,5% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường của khu vực hiện đang chiếm khoảng 20% thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu, khiến nơi đây trở thành thị trường lớn thứ hai chỉ sau Châu Âu.
ADB nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với các thị trường trái phiếu khu vực. Những đợt bùng phát mới, sự xuất hiện của các biến chủng vi-rút mới, và quá trình triển khai vắc-xin chậm hơn dự kiến tại một số thị trường có thể tác động xấu tới hoạt động kinh tế.
Những quan ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó áp lực lạm phát gia tăng đang ảnh hưởng tới các điều kiện tài chính trong khu vực.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Sự không chắc chắn kéo dài xung quanh đại dịch Covid-19 và áp lực lạm phát trước mắt đã tác động tiêu cực tới các thị trường trái phiếu mới nổi của Đông Á, dẫn đến sự biến động và hoạt động trái chiều trên các thị trường tài chính và cổ phiếu của khu vực. Các thị trường trái phiếu bền vững đang mở rộng nhanh chóng của khu vực, được củng cố bởi sự quan tâm ngày càng tăng tới việc phục hồi xanh và đồng đều cũng như các chính sách công tạo thuận lợi, sẽ là chìa khóa cho những nỗ lực của khu vực nhằm tái thiết thông minh hơn sau đại dịch”.
Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc; Hồng Kông- Trung Quốc; Indonesia; Hàn Quốc; Malaysia; Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trong ấn bản, ADB cũng đề cập chủ đề về quản trị tài chính bền vững và làm thế nào để hướng các hệ thống tài chính và khuôn khổ đầu tư theo hướng đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.