92,6% doanh nghiệp đã sử dụng hoá đơn điện tử

0
139

Công tác triển khai HĐĐT đã đạt được những kết quả tích cực

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, còn 1 tháng nữa (ngày 01/7) đến thời hạn bắt buộc phải chuyển đổi HĐĐT khi mua – bán hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020. HĐĐT được áp dụng trên toàn quốc là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách.

Việc triển khai HĐĐT sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời cũng góp phần chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Với mục tiêu đến ngày 1/7/2022, toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng HĐĐT theo lộ trình 2 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 1 triển khai từ ngày 21/11/2021 tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ); và Giai đoạn 2, triển khai từ tháng 4/2022 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại.

Tính đến ngày 24/5/2022 công tác triển khai HĐĐT đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thế, 100% doanh nghiệp đang hoạt động tại 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Đối với giai đoạn 2, triển khai từ ngày 21/4/2022, đã có 309.243 doanh nghiệp (tương đương 83,6% tổng số doanh nghiệp) đang hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT.

Đặc biệt, đã có 100% cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai. Như vậy, trên cả nước, đã có 764.314 doanh nghiệp (tương đương 92,6% tổng số doanh nghiệp) và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Về số lượng hóa đơn cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý từ khi triển khai đến ngày 24/5/2022 là 318.401.123 hóa đơn. Trong đó, hóa đơn có mã là 106.414.378; hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là 41.347.907 hóa đơn; hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp cơ quan thuế là 170.588.512 hóa đơn; hóa đơn theo lần phát sinh là 326 hóa đơn.

Tiếp tục tuyên truyền về lợi ích trong việc áp dụng HĐĐT

Trả lời phóng viên báo chí về các vấn đề liên quan đến HĐĐT, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định, HĐĐT là một loại hình hóa đơn mới và khi được triển khai thì nhiều người dân và doanh nghiệp còn chưa nắm rõ được nội dung, lợi ích trong việc áp dụng.

Do vậy, ngành Thuế đã xác định công tác tuyên truyền là nội dung quan trọng được triển khai ngay từ giai đoạn chuẩn bị triển khai với việc phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương với nhiều hình thức như: truyền hình, tờ rơi, thư ngỏ của cơ quan thuế, áp phích cổ động… Chính việc triển khai rộng khắp công tác tuyên truyền đã góp phần giúp người nộp thuế nắm bắt và phối hợp cùng cơ quan thuế trong triển khai HĐĐT.

Toàn cảnh cuộc họp báo chuyên đề công bố kết quả triển khai HĐĐT trên phạm vi toàn quốc.
Toàn cảnh cuộc họp báo chuyên đề công bố kết quả triển khai HĐĐT trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2022/NĐ-CP, đối tượng người nộp thuế sử dụng HĐĐT rất đa dạng với nhiều loại hình kinh tế và cách thức quản lý khác nhau. Vì vậy, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai theo từng đợt đối với người nộp thuế theo từng loại hình khác nhau nhằm bảo đảm hiệu quả trong công tác triển khai cũng như không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của người nộp thuế.

Đồng thời, ngành Thuế đã tập trung huy động nguồn lực tối đa trong việc triển khai, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và phát động phong trào thi đua trong toàn Ngành, từ đó tạo động lực lớn thúc đẩy quá trình triển khai HĐĐT tại cơ quan Thuế.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, việc triển khai HĐĐT thực hiện trên toàn quốc trong đó các địa bàn có tình hình kinh tế – xã hội khác nhau, do đó ngành Thuế đã chủ động phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT để bố trí, phân bổ nguồn lực trong triển khai, tập huấn, tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Tại cuộc họp báo, Lãnh đạo Tổng cục Thuế cùng đại diện các đơn vị chuyên trách thuộc Tổng cục Thuế đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến các vấn đề cụ thể như:  Những khó khăn khi triển khai HĐĐT đối với hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa; công tác tập huấn, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế tại các địa bàn khó khăn; quy chế phối hợp trao đổi thông tin liên quan đến tài khoản, dữ liệu giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng liên quan, gian lận HĐĐT… 

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcNgành Hải quan thu ngân sách đạt 186.649 tỷ đồng
Bài tiếp theoCác quỹ ETF thay đổi danh mục ra sao trong kỳ quý II/2022?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây