8 nguyên tắc chung trong quy chế tài chính của DATC

0
164

Quy chế ban hành kèm theo Thông tư số 62/2021/TT-BTC quy định cụ thể về cơ chế quản lý tài chính đối với DATC do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động theo quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC.

Về cơ bản, Quy chế tài chính của DATC mới ban hành tiếp tục kế thừa các nội dung quy định tại Thông tư số 134/2016/TT-BTC. Tuy nhiên, Quy chế cũng điều chỉnh một số quy định để phù hợp với quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể như: Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020; Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Trong các nội dung quy định tại Quy chế, Bộ Tài chính đã nêu rõ 8 nguyên tắc chung đối với DATC và các tổ chức, cá nhân liên quan đến cơ chế quản lý tài chính của DATC. Cụ thể:

Một là, DATC được xác lập quyền sở hữu, quyền quản lý và sử dụng đối với nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận; thực hiện quản lý, sử dụng và hạch toán theo dõi các khoản nợ và tài sản theo quy định tại Quy chế này và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

Hai là, mỗi khoản nợ mua của Công ty (theo thỏa thuận hoặc chỉ định) được xác định là một loại hàng hóa, DATC có trách nhiệm tổ chức hạch toán, theo dõi từng khoản nợ mua.

Ba là, đối với các khoản nợ và tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc tiếp nhận theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, sau khi tiếp nhận, DATC quản lý, theo dõi ngoài báo cáo tình hình tài chính và xử lý theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

Bốn là, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu được thực hiện theo phương án đã thỏa thuận (bằng văn bản) với cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, phù hợp quy định của pháp luật về sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp khác, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận với chủ sở hữu doanh nghiệp.

Năm là, việc sử dụng các khoản nợ và tài sản để góp vốn theo nguyên tắc có hiệu quả trên cơ sở phương án mua, xử lý nợ và tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Các tài sản (không bao gồm nợ) trước khi góp vốn phải được xác định lại giá trị bởi các tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

Sáu là, khi thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, DATC triển khai thực hiện trên cơ sở phương án phù hợp với ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và quy định tại Điều lệ của DATC.

Bẩy là, DATC không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có vốn góp chi phối của DATC thông qua tái cơ cấu nợ theo hình thức chuyển nợ thành vốn góp.

DATC thực hiện thoái vốn trong thời hạn 05 năm kể từ ngày DATC chính thức trở thành cổ đông tại các doanh nghiệp có vốn góp chi phối thông qua tái cơ cấu. Trường hợp quá thời hạn 05 năm mà DATC chưa thực hiện thoái vốn, DATC báo cáo nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý để Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến bằng văn bản.

Tám là, DATC thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTháng 8, khối ngoại mua ròng trên thị trường UPCoM
Bài tiếp theoHình thu nhỏ không hiển thị trong Windows 10? 9 bản sửa lỗi dễ dàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây