5 giải pháp hồi sinh và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

0
146

Thời gian qua, thanh khoản thị trường TPDN thấp chủ yếu là do các nguyên nhân liên quan tới sự cạnh tranh của nhiều kênh đầu tư sinh lời nhanh và phát triển nóng như bất động sản, chứng khoán cũng như sự hạn chế của hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là thiếu các tổ chức định giá xếp hạng uy tín và các tổ chức tư vấn bảo lãnh phát hành chuyên nghiệp, các nhà tạo lập thị trường. Để phát triển thị trường TPDN Việt Nam trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường tính minh bạch. Phải xây dựng một phương án phát triển thị trường TPDN, theo đó, phải tăng cường tính minh bạch cũng như thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường, tăng cường huy động vốn cho thị trường tập trung. Bên cạnh đó, gắn liền với quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán để có giải pháp phù hợp với đặc điểm thị trường Việt Nam, cải cách phát hành, phát triển hệ thống nền tảng thị trường, đặc biệt là hệ thống thông tin. Các vấn đề về pháp lý, cơ chế chính sách, định giá, định mức tín nhiệm phải có lộ trình áp dụng, tham khảo thị trường trái phiếu mà các nước ASEAN đang hướng tới.

Thứ hai, khuyến khích và tạo thuận lợi cho sự ra đời, phát triển của các công ty định mức tín nhiệm cho tất cả các đợt phát hành TPDN. Hệ thống các công ty định mức tín nhiệm uy tín sẽ giúp cho các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về doanh nghiệp phát hành và là căn cứ để các tổ chức tín dụng đánh giá việc mở rộng cho vay. Việc sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm ở nhiều nước trên thế giới đã trở thành thông dụng và thông lệ nhằm xóa đi khoảng cách thông tin giữa các nhà đầu tư và các nhà kinh doanh.

Để đảm bảo tính minh bạch cho thị trường mua bán nợ, đặc biệt liên quan tới quy trình định giá các khoản nợ cần có sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, đặc biệt là các công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước vì kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm do các công ty nước ngoài cung cấp có thể không giúp ích gì nhiều do hạn chế của dữ liệu thông tin.

Do đó, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho sự hình thành và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Những quy định này sẽ là cơ sở pháp lý cơ bản nhất để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, đồng thời định ra hướng đi đúng cho các hành vi xử sự của cá nhân, tổ chức liên quan trong khuôn khổ mà pháp luật quy định.

Thứ ba, đa dạng hóa các nhà đầu tư và khuyến khích phát triển các nhà tạo lập thị trường trên thị trường TPDN. Hiện nay các đợt phát hành TPDN tại Việt Nam chủ yếu là phát hành riêng lẻ và các nhà đầu tư tham gia thị trường chủ yếu là các tổ chức như các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán…rất ít các nhà đầu tư cá nhân  tham gia vào thị trường TPDN, cũng bởi tính thanh khoản kém của thị trường.

Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của các nhà tạo lập thị trường là rất lớn. Chính các nhà tạo lập thị trường sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì tính thanh khoản của TPDN, tăng khả năng giao dịch và qua đó thu hút các nhà đầu tư nhiều hơn. Vì vậy, nên có chính sách khuyến khích phát triển các nhà tạo lập thị trường thông qua việc quy định các quyền lợi hấp dẫn hơn dành cho nhóm đối tượng này.

Thứ tư, tăng tính chuyên nghiệp và hiệu quả của các tổ chức bảo lãnh phát hành, đồng thời quản lý chặt chẽ để hạn chế các tổ chức phát hành TPDN không đủ chất lượng. Thị trường TPDN Việt Nam hiện nay còn quá nhỏ, có rất ít trái phiếu của doanh nghiệp được giao dịch và niêm yết trên thị trường. Các cơ quan quản lý cần đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, nâng cao tính minh bạch của các tổ chức phát hành, bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. Các tổ chức tư vấn phát hành cũng cần làm việc chặt chẽ với tổ chức phát hành trong việc chuẩn hóa hồ sơ trái phiếu, tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế, tránh những rủi ro không đáng có. Như vậy, chúng ta mới có thể khuyến khích sự tham gia sâu rộng của các nhà đầu tư nhằm phát triển thị trường TPDN.

Thứ năm, khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường khu vực và quốc tế như thị trường vốn ASEAN. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), phát hành TPDN ra thị trường quốc tế là một hướng đi phù hợp nhằm giúp các doanh nghiệp chủ động trong nguốn vốn huy động, không bị lệ thuộc vào tín dụng xuất khẩu hay tín dụng ngân hàng…

Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải có được sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế về hiệu quả sử dụng vốn. Các doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của mình, cũng như tăng tính công khai minh bạch tài chính và được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thế giới đánh giá cao. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần lưu ý tới hoạt động nâng cao trình độ quản trị công ty theo hướng chuẩn mực quốc tế.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcBất động sản Việt Nam đang thu hút giới đầu tư Hàn Quốc
Bài tiếp theoBảo vệ khách hàng trước hành vi nhắc nợ trước hạn của công ty tài chính trong hợp đồng vay tín chấp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây