2 hình thức kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán

0
181

Việc kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán được thực hiện theo 2 hình thức là kiểm tra gián tiếp và kiểm tra trực tiếp.

Cụ thể, kiểm tra gián tiếp là việc cơ quan chủ trì kiểm tra thực hiện giám sát tình hình đối tượng được kiểm tra tuân thủ các nghĩa vụ thông báo, nộp các báo cáo định kỳ cho Bộ Tài chính khi có yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.

Kiểm tra trực tiếp là việc cơ quan chủ trì kiểm tra thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán. Hình thức kiểm tra trực tiếp bao gồm: Kiểm tra định kỳ và Kiểm tra đột xuất

Trong đó, thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ 3 năm/lần đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán mà trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra có doanh thu dịch vụ kế toán từng năm trên báo cáo tài chính từ 20 tỷ đồng trở lên và mỗi năm có từ 100 khách hàng dịch vụ kế toán trở lên.

Doanh thu dịch vụ kế toán bao gồm doanh thu từ: dịch vụ làm kế toán; dịch vụ làm kế toán trưởng; dịch vụ lập, trình bày báo cáo tài chính và dịch vụ tư vấn kế toán; kiểm tra trực tiếp ít nhất 5 năm/lần đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán không thuộc đối tượng quy định trên.

Bộ Tài chính thành lập Đoàn kiểm tra để thực hiện các cuộc kiểm tra trực tiếp hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán. Tổ chức nghề nghiệp về kế toán có trách nhiệm cử cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn kiểm tra khi có đề nghị của Bộ Tài chính.

Đoàn kiểm tra sẽ thực hiện kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán về hai nội dung:

Thứ nhất, kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề và điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán của người hành nghề dịch vụ kế toán và các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam, bao gồm: việc đăng ký, duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, thông báo của đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán; việc đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, thông báo của kế toán viên hành nghề.

Thứ hai, kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan của đối tượng được kiểm tra khi cung cấp dịch vụ kế toán cho khách hàng. Chuẩn mực nghề nghiệp bao gồm các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

Về công khai kết quả kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán, Thông tư quy định, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcGiá trị vốn hóa thị trường UPCoM tăng 6,34%
Bài tiếp theoSốt đất ảo ở Bình Phước và bài học lớn cho nhà đầu tư

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây