Trục lợi từ giấy thông hành, thẻ luồng xanh: Thiếu cơ chế giám sát

0
101

Thời gian vừa qua, bên cạnh những hành vi của nhóm các đối tượng không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, lợi dụng giấy thông hành, thẻ luồng xanh để thực hiện các hành vi phi pháp như vận chuyển người “thông chốt” trái phép, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ,… thì dư luận còn đặc biệt quan ngại khi một bộ phận người được giao trọng trách thi hành công vụ cũng lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi.

Theo đó, ngày 27/8, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP. Hà Nội đã khởi tố và bắt tạm giam với đối tượng Hoàng Thị Thanh Nga để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ do liên quan đến việc cấp khống 1.000 thẻ luồng xanh.

Bước đầu, đối tượng Hoàng Thị Thanh Nga khai nhận, được Tổng cục Đường bộ tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội duyệt cấp thẻ luồng xanh, lợi dụng nhiệm vụ được giao, Nga đã móc nối, duyệt, cấp trái phép khoảng hơn 1.000 hồ sơ ô tô và thu tiền, hưởng lợi bất chính hơn 200 triệu đồng.

Ngay sau vụ việc xảy ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có những động thái kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng tiêu cực, và yêu cầu Tổng cục Đường bộ xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo bộ trưởng kết quả trước ngày 01/9.

Một số chuyên gia cho rằng, đây không chỉ là một bài học nhãn tiền mà còn là một “lỗ hổng” trong công tác quản lý, giám sát đối với người được giao trọng trách thi hành công vụ. Trách nhiệm không chỉ thuộc về cá nhân người vi phạm, mà tập thể, cá nhân có liên quan cũng cần phải được xử lý công khai, minh bạch.  

Vụ việc đã nêu chưa lắng xuống, ngày 28/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Thái Bình thông tin, đơn vị đã thi hành các quyết định khởi tố và lệnh bắt để tạm giam với Phạm Việt Cường (29 tuổi), trú tại xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình – cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà và Vũ Thị Lan (37 tuổi), trú tại xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà – cán bộ Trạm y tế xã Tân Lễ về tội nhận hối lộ, cùng hai bị can khác về tội đưa hối lộ.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, lợi dụng nhiệm vụ kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 đối với người ra – vào tỉnh Thái Bình, đối tượng – bị khởi tố, bị can Cường nhận 3,5 triệu đồng từ bị can Đạt để tạo điều kiện cho công nhân của Công ty cổ phần Tiên Hưng chưa làm xét nghiệm COVID-19 được qua chốt, ra – vào tỉnh Thái Bình.

Tương tự, bị can Lan nhận 5 triệu đồng của bị can Việt để cho công nhân của Công ty TNHH Thiên Sơn được qua chốt khi chưa có giấy xét nghiệm COVID-19. Hiện bốn bị can bị bắt tạm giam ba tháng để phục vụ điều tra.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết, việc thực hiện chủ trương cấp thẻ luồng xanh hay giấy thông hành cho người và phương tiện giao thông nhằm đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được tuân thủ nghiêm ngặt, hạn chế tối đa việc di chuyển.

“Với các vi phạm đã có trong thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đã dùng đến hình thức chế tài nghiêm khắc nhất là chế tài hình sự để xử lý các hành vi vi phạm, theo tôi, các hình thức chế tài hiện nay đã đủ để răn đe và phòng ngừa”, Luật sư Hiệp chia sẻ.

Theo Luật sư Hiệp, vấn đề ở đây không phải là việc sửa luật hay nâng cao chế tài mà cần quy định cụ thể hơn các tiêu chuẩn để được cấp giấy thông hành, thẻ luồng xanh và đặc biệt phải tăng cường kiểm soát, giám sát để xử lý kịp thời các vướng mắc cũng như hạn chế những “lỗ hổng” trong thi hành công vụ.

“Khi quyền được trao mà thiếu cơ chế kiểm soát, giám sát đặc biệt trong tình hình dịch bệnh cấp bách như hiện nay thì quyền rất dễ bị lợi dụng để trục lợi”, Luật sư Hiệp nhấn mạnh.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcBức tranh cổ phiếu ngân hàng những tháng cuối năm 2021
Bài tiếp theoDoanh nghiệp đổ xô gom đất vàng vùng ven TP. Hồ Chí Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây