Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế

0
96

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Dự thảo luật được xây dựng nhằm mục tiêu hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự thảo Luật này. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, do đó việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật; còn những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. 

Ngày 29/3, Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, trong đó đề nghị nêu rõ sự cần thiết phải duy trì quỹ, hiệu quả sử dụng, đánh giá kỹ tác động đối với các đối tượng có liên quan.

Dự thảo luật trình Hội nghị có một số thay đổi so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, như: Kết cấu của dự thảo luật; Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; Các loại hình bảo hiểm về bảo hiểm vi mô; Các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; các quy định về hợp đồng bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm…

Như vậy, sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, so với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, gồm 7 chương và 154 điều, trong đó giảm 1 chương và 3 điều, đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật…  

Trong chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều ngày 27/5, thảo luận cho ý kiến tại hội trường đại biểu Quốc hội nhất trí với báo cáo chỉnh lý, giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đa số các ý kiến cho rằng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) hết sức cần thiết, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người kinh doanh và người mua bảo hiểm. Dự thảo luật đã quy định rõ về chính sách của Nhà nước, về kinh doanh bảo hiểm. 

Theo đó, Dự thảo Luật tách chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài khỏi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm để bảo đảm rõ ràng, đúng nội hàm của quy định. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định cụ thể hơn về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm vi mô, sản phẩm bảo hiểm nhằm phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và sản phẩm bảo hiểm liên kết với các sản phẩm bảo hiểm y tế do Nhà nước thực hiện; bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; bổ sung điều kiện cấp phép đối với công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài để bảo đảm chặt chẽ hơn…

Đối với nội dung hợp đồng bảo hiểm, một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại Chương này như: bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng ngày 16/6 Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cho ý kiến về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tiềm năng thị trường bảo hiểm tại Việt Nam rất lớn, nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao, trong khi đó quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên tổng GDP của cả nước còn thấp, chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm chưa ổn định, thông tin và nguồn thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm còn chưa đa dạng, đầy đủ, toàn diện dễ phát sinh các tranh chấp.

Do đó, dự án Luật này được xây dựng, chỉnh lý, bổ sung nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của Đất nước, đồng thời để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hiệu quả của nền kinh tế. Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng bảo hiểm, logistic…

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTính phương án nào khi chung cư hết hạn sau 50-70 năm?
Bài tiếp theoXử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ được DATC thực hiện thế nào?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây