Đến nay, ở hầu hết các địa phương trên cả nước hướng đến phát triển du lịch đều có tổ chức một số hoạt động vào ban đêm. Tuy nhiên, tập trung nhiều ở các khu chợ đêm và một số quán cà phê, vũ trường, nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống, karaoke, khu phố đi bộ, nghệ thuật đường phố. Các thành phố lớn, trung tâm du lịch lớn (như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Sa Pa, Huế, Quảng Ninh, Hội An, Huế, Phú Quốc, Cần Thơ, Hải Phòng…) cung cấp nhiều dịch vụ về đêm hơn so với những thành phố nhỏ, ít khách du lịch hoặc mới triển khai hoạt động du lịch.
Hiện nay, cả nước có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch, tiêu biểu như khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội; phố đêm Bùi Viện, chợ đêm Ninh Kiều, chợ đêm Bạch Đằng, chợ đêm Hội An, chợ đêm Nha Trang, chợ Âm Phủ, phố đi bộ Hải Phòng, chợ đêm Kỳ Lừa… Trong đó, ẩm thực đường phố, các gánh hàng rong hay quán ăn nhỏ bên đường là một trong những nét đặc trưng của kinh tế ban đêm Việt Nam.
Thực trạng kinh tế ban đêm Việt Nam hiện nay và mục tiêu phát triển kinh tế ban đêm đặt ra cho quản lý thuế những khó khăn, thách thức và những vấn đề quan trọng cần giải quyết, đó là: (1) Quản lý thuế góp phần thúc đẩy kinh tế ban đêm phát triển, trong khi phải đảm bảo chủ thể các hoạt động này thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật; (2) Nên nghiên cứu mô hình quản lý thuế phù hợp với đặc thù kinh tế ban đêm và trình độ phát triển kinh tế ban đêm sơ khai của Việt Nam; (3) Hoạt động quản lý thuế phải phù hợp với tính đa dạng, phong phú của các hoạt động kinh tế ban đêm tại Việt Nam. Tóm lại, có thể xác định các quan điểm quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế ban đêm tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, quản lý thuế đối với kinh tế ban đêm bình đẳng như đối với các hoạt động kinh doanh ban ngày. Công bằng, bình đẳng là nguyên tắc chung chi phối hoạt động quản lý thuế, bởi lẽ điều này góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế lành mạnh giữa các thành phần kinh tế và các chủ thể trong nền kinh tế. Các ưu đãi về thuế hoặc hỗ trợ về quản lý thuế chỉ nên dành cho những trường hợp đặc biệt hoặc những trường hợp gặp khó khăn khách quan. Những phân tích nêu trên cho thấy, kinh tế ban đêm không thuộc những trường hợp này áp dụng ưu đãi thuế hoặc đối xử đặc biệt về quản lý thuế thì sẽ tạo ra tình trạng ưu đãi tràn lan, kém hiệu quả.
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh trên cơ sở tuân thủ pháp luật thuế. Mọi người nộp thuế đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh ban đêm cũng vậy, phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh ban đêm phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế ban đêm theo những phương thức thích hợp.
Thứ ba, việc quản lý thuế phải phù hợp với điều kiện kinh tế ban đêm. Như đã phân tích, kinh tế ban đêm có những điểm khác biệt về thời gian, không gian, loại hình và tính chất các hoạt động kinh doanh. Do vậy, công tác quản lý thuế cũng phải phù hợp với các điều kiện đó, như vậy mới đảm bảo hiệu lực và hiệu quả quản lý thuế.
(*) Trích lược theo bài “Quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế ban đêm: Những khó khăn và giải pháp khắc phục” – PGS., TS. Lê Xuân Trường – Học viên Tài chính đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2021.