Báo cáo về tài chính cá nhân do Nielsen công bố cho thấy, cùng với tính thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng thì phí giao dịch chính là một trong những yếu tố khách hàng quan tâm nhất với dịch vụ ngân hàng.
Thứ nhất, việc miễn phí giao dịch sẽ giúp ngân hàng thu hút và tạo cơ sở khách hàng cá nhân lớn để ngân hàng đẩy mạnh bán chéo sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, cơ sở khách hàng cá nhân thu hút được càng lớn, tài nguyên phát triển các dịch vụ khác, điển hình như môi giới bảo hiểm, càng lớn.
Thứ hai, việc khách hàng gia tăng nhanh chóng cũng đồng nghĩa với việc một lượng tiền lớn được trung chuyển thông qua ngân hàng. Nhờ đó, ngân hàng sẽ thu hút được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có lãi suất thấp, tạo nguồn kinh doanh chi phí thấp cho nhà băng. Đây cũng là tiền đề giúp ngân hàng cạnh tranh lãi suất cho vay.
Đây cũng chính là lý do vì sao trong vài năm trở lại đây, cuộc chiến 0 đồng phí dịch vụ của các nhà băng trở nên ngày càng gay cấn hơn bao giờ hết.
Cho đến nay đã có hàng chục ngân hàng miễn phí này hay giảm mạnh phí khác để không bị khách bỏ lại phía sau như Techcombank, SeABank, MB, VIB…
Mới đây, một số ngân hàng hạng trung là ABBank, BaoVietBank… đã mạnh tay miễn mọi loại phí cho khách hàng giao dịch trực tuyến, hay SeABank, NCB chỉ thu duy nhất phí duy trì tài khoản lần lượt là 5.000 đồng/tháng và 6.000 – 9.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, một số ngân hàng lại vẫn cố níu kéo khoản thu này, đặc biệt là các “ông lớn” như: BIDV, Vietinbank, Vietcombank… vẫn thực hiện thu phí ngay cả với những giao dịch chuyển tiền cùng hệ thống.