Nên miễn thuế cho hộ kinh doanh vùng dịch

0
120

“Đáng hoan nghênh!”

Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Trong đó, Bộ đề xuất giảm 50% thuế phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III và quý IV.2021 với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn.

“Tôi hoan nghênh chủ trương miễn thuế cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh”,  TS. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế chia sẻ. Ông cho biết, hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu lao động, đóng góp gần 30% GDP. Các hộ kinh doanh được thành lập và hoạt động chủ yếu dựa trên năng lực tài chính tự thân, do đó cũng góp phần trong việc huy động vốn trong nhân dân vào phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, với quy mô vốn nhỏ, kinh tế hộ gia đình dễ bị tổn thương khi có biến động thị trường. “Họ đã khó khăn quá rồi và có vẻ đang kiệt quệ dần. Lúc này rất cần Chính phủ hỗ trợ!”.

Cùng quan điểm, TS. Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 khiến hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng quán đóng cửa, doanh thu giảm sút, giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh khiến họ không có doanh thu, trong khi vẫn phải “gánh” chi phí như tiền mặt bằng, các loại thuế, phí,… Theo ông Bình, việc giảm thuế sẽ động viên tinh thần, giúp họ khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh qua đi.

Tập trung hỗ trợ vùng có dịch

Để các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tiếp cận được gói hỗ trợ thuận lợi nhất, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng không nên yêu cầu hộ kinh doanh phải làm bất cứ giấy tờ, thủ tục nào. Thay vào đó, Chi cục thuế quận, huyện của các địa phương phải phối hợp trong khâu lập và rà soát danh sách. Chi cục thuế quận sẽ phối hợp với phường, xã trên cơ sở danh sách các hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn có mã số thuế và có đăng ký kinh doanh. Quy trình xét duyệt phải được rút gọn tối đa.

Bộ Tài chính dự kiến hỗ trợ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ở mọi địa bàn. Tuy nhiên, TS. Lê Duy Bình đề xuất nên cân đối khả năng của ngân sách và hỗ trợ theo từng vùng. Cụ thể, hộ kinh doanh ở trong vùng dịch nên được hỗ trợ cao hơn, có thể miễn 100% “bởi họ phải giãn cách xã hội, không có doanh thu thì lấy gì đóng thuế!”.

Hơn nữa, hỗ trợ như vậy để sau giãn cách, họ vẫn có động lực gượng dậy, phục hồi kinh doanh. Những hộ kinh doanh không ở vùng dịch tuy không bị giãn cách xã hội nhưng cũng chịu tác động chung của dịch bệnh, vì vậy có thể miễn 50%. Điều quan trọng là Chính phủ phải quyết định nhanh chóng để triển khai ngay thì chính sách mới có ý nghĩa.

Cùng quan điểm, chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa – Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa quản trị đề xuất nên tập trung hỗ trợ hộ kinh doanh trong vùng dịch, bị giãn cách xã hội. Không nên hỗ trợ dàn trải, cào bằng, bởi làm vậy dễ cho cơ quan chức năng thực hiện nhưng không hiệu quả. Các hộ kinh doanh có đăng ký, có mã số thuế cụ thể, vì vậy hỗ trợ bằng cơ chế cụ thể trên từng mã số thuế sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều.

Cách làm này một mặt khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện việc báo cáo thuế đầy đủ hơn và họ cũng cảm thấy được quan tâm và khuyến khích phát triển lâu dài. Mặt khác, làm vậy sẽ giảm thiểu sự không minh bạch, gian dối trong nhận hỗ trợ.

Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 gồm: Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 với doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng một năm; giảm 50% thuế phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III và IV.2021 với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn; giảm 30% thuế giá trị gia tăng với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong 3 năm 2018 – 2020.

Với 4 giải pháp này, số thu ngân sách năm 2021 ước giảm 20.000 tỷ đồng.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcNhà đầu tư thứ cấp, F0 “chôn tiền” vì mua đất đầu cơ, chờ thời
Bài tiếp theoXếp hạng hành khách của Uber là gì và cách kiểm tra

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây