Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (HoSE:DRC) là một trong những doanh nghiệp đầu ngành cao su, đặc biệt ở vị thế tiên phong khai thác thị trường lốp Radial trong nước và xuất khẩu.
DRC đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020 với doanh thu đạt 1,166 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 136, 8 tỷ, tăng 35.5%. Lũy kế cả năm 2020, doanh thu công ty đạt 3,819 tỷ đồng, giảm 5% và LNTT đạt 321 tỷ, tăng 2.4% so với cùng kỳ. Như vậy năm vừa qua, DRC đã hoàn thành 87.5% kế hoạch doanh thu và 114.5% kế hoạch LNTT.
Các chuyên gia trong ngành đánh giá, mặc dù doanh thu giảm, song điểm nổi bật trong sự hồi phục ở quý 4 của DRC đến từ tăng trưởng của 2 dòng sản phẩm Radial và Bias với lần lượt 32% và 16% sản lượng so với cùng kỳ đã khẳng định lợi thế của công ty. Theo đó, Ridial đang là xu hướng tăng trưởng chính của ngành săm lốp.
Ngoài ra, tín hiệu xuất khẩu hồi phục mạnh cũng thể hiện năng lực của DRC đối với các thị trường Brazil, Mỹ. Lợi nhuận tăng mạnh hơn do DRC đã duy trì sẵn lượng hàng tồn kho cao với giá vốn thấp trước khi giá cao su tăng mạnh và vì nhà máy Radial – Giai đoạn 1 chính thức hết khấu hao từ cuối tháng 8/2020.
Theo công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, doanh thu DRC sẽ tăng trưởng mạnh trong quý 1 và quý 2 của năm 2021 từ mức thấp của 2020, khi năm nay, nhu cầu các sản phẩm lốp xe gia tăng theo đà hồi phục của nhóm ngành vận tải, đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm lốp Radial với tính cạnh tranh cao.
“Biên lợi nhuận của DRC trong 2021 cũng sẽ tiếp tục tốt hơn cùng kỳ vì nhà máy Radial – Giai đoạn 1 đã hết khấu hao. Trong dài hạn, chiến lược tìm kiếm tăng trưởng ở hướng xuất khẩu với giá bán tốt hơn sẽ cải thiện biên lợi nhuận của DRC”, chuyên gia từ Yuanta phân tích.
Phía DRC cũng có kế hoạch nâng công suất nhà máy lốp Radial giai đoạn 2 từ 600.000 lốp/năm lên 1.200.000 lốp/năm trong 2021. Đồng thời, đặt kế hoạch kinh doanh quý1/2021 với doanh thu thuần đạt 835 tỷ, tăng 4% so với cùng kỳ và LNTT là 66 tỷ, tăng 41%.
Một thông tin hết sức tích cực là mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ về nội dung phá giá trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe ô tô của Việt Nam và một số nền kinh tế khác.
Kết luận nêu, các nhà xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá lốp xe ô tô vào Mỹ. Trong khi các đối tác bị điều tra khác đều bị cho là đã bán phá giá, gồm Hàn Quốc với biên độ 14,24 – 38,07%, Đài Loan với biên độ 52,42 – 98,44%, Thái Lan với biên độ 13,25 – 22,21%.
Hiện Việt Nam đang có lợi thế là quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên lớn, nên các doanh nghiệp cao su công nghiệp đang có cơ hội cạnh tranh hơn so với các sản phẩm tại Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan nếu như Mỹ giữ nguyên kết luận cuối cùng vào tháng 5/2021.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Mỹ là thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam đối với ngành sản xuất lốp xe, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 là 470 triệu USD. Đến nay, rủi ro bị áp tăng thuế cũng đã giảm bớt với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Công ty Chứng khoán BVSC, kỳ vọng việc kiểm soát tốt hơn dịch bệnh COVID-19 và triển khai vaccine sắp tới sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của DRC. Đồng thời, DRC sẽ duy trì hoạt động vững chắc hơn ở thị trường nội địa với nhu cầu thay thế gia tăng, nhờ các dự án cơ sở hạ tầng lớn như Sân bay Long Thành và nỗ lực mạnh mẽ trong nghiên cứu, phát triển tung ra nhiều sản phẩm mới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/2, cổ phiếu DRC đóng cửa ở mức 28.350đ/cp, giảm nhẹ 0,35% so với phiên liền trước song trong một quãng dài 52 tuần, đây đã là mức giá tăng gấp đôi so với đáy thấp nhất.
DRC dù vẫn đang giao dịch gần chạm ngưỡng giá cao nhất trong 52 tuần nhưng vẫn được đánh giá còn cơ hội tăng trưởng tích cực nhờ nền tảng kinh doanh chính với: Thị trường xuất khẩu và nội địa phục hồi mạnh mẽ; Chi phí khấu hao giảm mạnh; và Giảm chi phí lãi vay.
Dự kiến, các yếu tố tích cực này sẽ bù đắp nhiều hơn và bền vững hơn sự phục hồi của giá nguyên liệu đối với DRC trong giai đoạn tới.