Khi thị trường giảm, có nhà đầu tư sợ hãi, nhưng có người bình tĩnh và có người ưa thích mạo hiểm
(ĐTCK) Định hướng điều chỉnh là hợp lý trong xu hướng tăng nhưng sẽ điều chỉnh không quá tiêu cực nhờ thanh khoản dồi dào như hiện nay và với luận điểm này, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân vững tâm tham gia thị trường trong suốt thời gian qua. Nhưng khi thị trường chỉnh mạnh vài chục điểm, tâm lý hoảng loạn ngay lập tức xuất hiện.
Từ cuối tháng 5 đến nay, VN-Index tiến lên chinh phục nhiều mốc quan trọng, duy trì sự sôi động và hứng khởi cho nhà đầu tư. Lực đỡ chính là từ kỳ vọng lợi nhuận phục hồi kèm các chính sách hỗ trợ phát huy tác dụng rõ ràng là nền tảng cho thị trường duy trì xu hướng tăng.
Diễn biến giao dịch vài tuần qua cho thấy, dòng tiền trên thị trường tiếp tục xoay vòng nhanh, thanh khoản duy trì tốt, trên 1 tỷ USD/phiên, nhưng cũng đã phát đi những tín hiệu về lập đỉnh ngắn hạn, như các phiên phân phối, áp lực bán gia tăng sau chuỗi tăng dài.
“Nhà đầu tư nên hạ dần tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường chung đã xuất hiện những phiên phân phối trong 25 phiên giao dịch gần nhất, báo hiệu thị trường lập đỉnh ngắn hạn” – nội dung được nhiều team môi giới gửi đến khách hàng trong tuần trước.
Dẫu vậy, hiện tượng thường thấy nhất là “cảnh báo” sẽ không được chú ý cho đến khi cảnh báo đó thành sự thực. Nhà đầu tư tin sẽ có “nhịp chỉnh”, nhưng “không sâu”. Theo đó, nhiều nhà đầu tư vẫn có tài khoản ở trạng thái “full cổ”, “margin cao”.
“Tôi xác định thị trường sẽ điều chỉnh, nhưng không sâu, cổ nào tăng vẫn tăng”, nhà đầu tư cá nhân Hoàng Lê chia sẻ và giữ quan điểm này liên tục trong 2 tuần qua. Hành động của nhà đầu tư này là tiếp tục giữ cổ phiếu đang tăng (vẫn đang hưởng thành quả này) và mạnh dạn mua mới những cổ phiếu cho thấy có tín hiệu dòng tiền vào mạnh (như dòng cổ phiếu thép).
Phiên cuối tuần qua, thị trường bất ngờ giảm mạnh 55,49 điểm, VN-Index đóng cửa ở mức 1.177,99 điểm, tương ứng giảm 4,5%. Mức giảm trải dài trên các nhóm ngành, trong đó nhóm cổ phiếu bất động sản giảm trước tiên và chịu nhiều tác động tâm lý từ thông tin Evergrande (Trung Quốc) nộp hồ sơ bảo hộ phá sản.
Thanh khoản thị trường tăng vọt, lên 38.868 tỷ đồng, cao hơn 60% so với bình quân giao dịch trước đó, cho thấy có sự tham gia của nhà đầu tư lớn. VN-Index nhanh chóng xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.207 điểm và 1.180 điểm do áp lực bán tăng mạnh. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo là MA 50 ở mức 1.169 – 1.170 điểm, nhiều khả năng tạo ra động lực mua vào và có lực đỡ tại đây.
Chỉ một phiên cuối tuần, sự “mất bình tĩnh” đã lan toả hơn, khi mà thực tế thị trường rõ ràng đang “chỉnh” sâu hơn dự báo. “Có biến gì à”, “vì sao đạp mạnh thế”, “2 phiên lấy hết thành quả 2 tháng”…, rất nhiều nhà đầu tư đang ngơ ngác hỏi nhau!
“Nhiều nhà đầu tư không nghĩ mức điều chỉnh mạnh thế, lệnh thị trường (MP) được sử dụng nhiều hơn, đa số nhà đầu tư bán dứt khoát bởi hình dung rõ thị trường lên đoạn vừa qua đến từ yếu tố dòng tiền nhiều hơn là nền tảng cơ bản”, quan sát của các môi giới kỳ cựu cho biết.
Bên cạnh đó, không ít công ty chứng khoán đã giảm tỷ lệ margin từ hơn 1 tuần trở lại đây. Với việc thị trường giảm điểm mạnh như 2 phiên cuối tuần qua, “bóp” margin ở một số mã cổ phiếu đã xảy ra, điều này càng tác động khiến cổ phiếu giảm sâu hơn trong bối cảnh thị trường nhuốm đỏ.
Thị trường chứng khoán luôn có sức hấp dẫn, thú vị và không thể dự đoán 100%, bởi có người sợ hãi, có người bình tĩnh và có người ưa thích mạo hiểm.
Thị trường chứng khoán luôn có sức hấp dẫn, thú vị và không thể dự đoán 100%, bởi có người sợ hãi, có người bình tĩnh và có người ưa thích mạo hiểm.
“Mua gia tăng ở những nhịp thị trường giảm để có giá tốt và giải ngân mua thành nhiều đợt. Thị trường sẽ chỉnh, nhưng tôi đang nằm im, chờ diễn biến tiếp theo, chứ không bán vội cổ phiếu trong danh mục. Thậm chí, cổ phiếu bất động sản như NVL, PDR, DXG… nhúng giảm về vùng giá dự kiến, tôi sẽ tiếp tục mua thêm, vì nhóm này vẫn đang hút tiền tốt”, một nhà đầu tư cá nhân chia sẻ.
Thận trọng hơn, một số nhà đầu tư nhìn nhận, thị trường đã lên vùng cao mới, áp lực bán tăng dần, lượng margin cũng tăng, nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh, gồm bất động sản, bán lẻ, xuất khẩu như thủy sản, dệt may…, trong khi thực tế kết quả kinh doanh quý II chưa thực sự cải thiện, dẫn đến định giá mặt bằng chung các cổ phiếu đang ở mức khá cao.
Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán thuộc Top 5 thị phần nhìn nhận, tín hiệu không mấy tích cực đã hiện rõ hơn, xác suất điều chỉnh kéo dài hơn. Xu hướng tăng điểm đã chững lại đáng kể và rủi ro đang lớn dần so với cơ hội tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, nhà đầu tư cần duy trì quan điểm thận trọng, nhất quán với mục tiêu quan sát và chờ đợi tín hiệu tích cực rõ ràng.
Vị giám đốc môi giới trên cho rằng, bất động sản, chứng khoán, thủy sản, thép, bán lẻ sẽ là nhóm đáng để lựa chọn đầu tư khi thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ.