Gỡ “nút thắt” giảm lãi vay

0
108

 

Thực trạng trên đã được nhiều doanh nghiệp phản ánh tại tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ gặp cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương ngày 26/9 vừa qua.

Doanh nghiệp kêu thủ tục phức tạp

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mặt bằng lãi vay đã giảm 1% trong năm 2020, và xu hướng này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm 0,55%/năm (giảm tổng cộng 1,55%/năm so với trước dịch). Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp đều cho rằng hiện thủ tục giảm lãi vay vẫn còn phức tạp, khiến họ khó được hưởng chính sách lãi suất ưu đãi.

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh, doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn trong thanh toán tiền thuê mặt bằng, tiền lãi suất ngân hàng và tiền lương công nhân, cũng như hỗ trợ cho các công nhân không đi làm được. Bởi vậy, các ngân hàng cần đơn giản hóa thủ tục giúp doanh nghiệp được giảm lãi vay, thì các doanh nghiệp mới đủ sức phục hồi hoạt động.

Ông Kiều Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh cho biết: Khi làm việc với ngân hàng, các doanh nghiệp phải làm hồ sơ chứng minh doanh nghiệp đang hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi cung cấp đủ hồ sơ chứng minh để được giảm lãi vay, thì doanh nghiệp sẽ bị tụt hạng tín dụng nên sẽ bị hạn chế hạn mức cho vay trong những lần vay kế tiếp. Nếu như vậy, chẳng khác gì đưa doanh nghiệp vào vòng lẩn quẩn, phải lựa chọn giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. “Giả sử ngân hàng giảm 1% lãi suất với mức vay 5 tỷ đồng, thì một tháng cũng chỉ giảm được 5 triệu tiền lãi, như vậy không xứng đáng với công sức làm hồ sơ, đi khắp nơi để được xét duyệt, lại còn bị hạ xếp hạng tín nhiệm”, ông Kiều Huỳnh Sơn nhấn mạnh.

Cần có hướng dẫn cụ thể

Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh phân tích, đến thời điểm này, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải nhìn nhận hai khía cạnh của vấn đề giảm lãi suất.

Thứ nhất, các ngân hàng nên cấp thiết có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bởi nếu các doanh nghiệp “chết” thì ngân hàng sẽ phải chịu nợ xấu. Do đó, các ngân hàng phải tìm cách tiết kiệm chi phí, hỗ trợ lãi suất tối đa giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này.

Thứ hai, không phải “sức khỏe” doanh nghiệp xấu mà đây là tình trạng chung do dịch bệnh, khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, dòng tiền và nguồn lực của doanh nghiêp cạn kiệt. Do đó, ngân hàng cần gia hạn nợ, khoanh nợ, giảm lãi vay cho doanh nghiệp.

Để chủ trương giảm lãi vay đi vào cuộc sống, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị, từ chủ trương đồng thuận đến triển khai thực tế của các ngân hàng cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, chẳng hạn như đối tượng được giảm lãi vay ra sao?, thời hạn gửi hồ sơ trong bao lâu thì được xét duyệt giảm lãi vay?… để các doanh nghiệp biết có kết quả hay không.

Ngoài ra, ông Lê Hữu Nghĩa cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, không còn tài sản thế chấp để vay thêm vốn phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, tài sản doanh nghiệp thế chấp vào ngân hàng với định giá cực thấp so với thị trường, nên chỉ được vay tối đa 70-80% giá trị. Do đó, ngân hàng nên tính toán giúp doanh nghiệp vay thêm từ 15-20% giá trị tài sản đảm bảo, mà không cần phải thế chấp thêm tài sản. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thêm vốn phục hồi hoạt động.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcĐẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Bài tiếp theoGiới hạn số giờ làm thêm: Doanh nghiệp đề xuất nới khung lên 400 giờ/năm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây