Giải pháp đảm bảo hoàn thành kế hoạch huy động vốn qua trái phiếu chính phủ

0
102

Khẳng định vai trò không thể thiếu của thị trường trái phiếu chính phủ

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016; bám sát kế hoạch huy động vốn hàng năm, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã nỗ lực cải tiến công tác tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ, quản lý danh mục nợ trái phiếu chính phủ; thực hiện hoán đổi trái phiếu chính phủ; chuyển đổi các khoản vay của bảo hiểm xã hội sang hình thức phiếu chính phủ … Qua đó, góp phần cùng ngành Tài chính thực hiện thắng lợi chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công và hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách được Quốc hội và Chính phủ giao.

Năm 2021, Kho bạc Nhà nước tổ chức đấu thầu phát hành phiếu chính phủ, linh hoạt điều chỉnh cơ cấu kỳ hạn phù hợp; Phân bổ khối lượng cụ thể đối với từng kỳ hạn. Kỳ hạn 5 năm phát hành 20.000 tỷ đồng; kỳ hạn 7 năm phát hành 15.000 tỷ đồng; kỳ hạn 10 năm phát hành 120.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm phát hành 135.000 tỷ đồng; kỳ hạn 20 năm phát hành 30.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm phát hành 30.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành trong năm 2020 đạt 333.042,5 tỷ đồng, bằng 98,2% kế hoạch năm, đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Số vốn này không chỉ giúp đảm bảo cho ngân sách nhà nước đủ nguồn vốn cân đối để chi cho các dự án, công trình trọng điểm trong kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, mà còn giúp thị trường tài chính hoạt động ổn định; khẳng định vai trò quan trọng của thị trường trái phiếu chính phủ là kênh huy động vốn hiệu quả của ngân sách nhà nước.

Năm 2021, công tác phát hành trái phiếu chính phủ tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Kho bạc Nhà nước, là giải pháp góp phần đảm bảo cân đối, tăng hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước và quản lý nợ công.

Kế hoạch huy động vốn năm 2021 cho ngân sách nhà nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ là 350.000 tỷ đồng. “Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch huy động vốn, ngay từ đầu năm 2021, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức đấu thầu phát hành trái phiếu chính phủ, điều chỉnh cơ cấu kỳ hạn phù hợp với nhu cầu và tiến độ sử dụng. Trong quá trình điều hành thị trường thực tế, tùy nhu cầu vốn của ngân sách nhà nước và nhu cầu trái phiếu từng thời điểm, Kho bạc Nhà nước sẽ điều chỉnh cơ cấu kỳ hạn phù hợp, đảm bảo huy động đủ vốn cho ngân sách nhà nước theo kế hoạch đã thông báo”, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước) cho biết.

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu các nhà đầu tư; mục tiêu tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ và cân đối cơ cấu dòng tiền trả nợ hàng năm của ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước đã thông báo cụ thể kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ năm 2021, trong đó phân bổ khối lượng đối với từng kỳ hạn. Kỳ hạn 5 năm phát hành 20.000 tỷ đồng; kỳ hạn 7 năm phát hành 15.000 tỷ đồng; kỳ hạn 10 năm phát hành 120.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm phát hành 135.000 tỷ đồng; kỳ hạn 20 năm phát hành 30.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm phát hành 30.000 tỷ đồng.

Đồng thời, công khai lịch biểu đấu thầu trái phiếu chính phủ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, Cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước tổ chức đấu thầu phát hành trái phiếu chính phủ, cung cấp hàng hóa cho thị trường giao dịch. Tính đến ngày 3/3/2021, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành năm 2021 là 27.821 tỷ đồng; kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân năm 2021 đạt 14,39 năm; lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ bình quân năm 2021 là 2,32% năm.

Đổi mới phương thức phát hành phiếu chính phủ

Thực tế cho thấy, công tác phát hành trái phiếu chính phủ của Kho bạc Nhà nước ngoài đáp ứng yêu cầu phải phù hợp với nhu cầu các nhà đầu tư, còn phải gắn với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo vốn vay được sử dụng hiệu quả.

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2021, thời gian tới, Kho bạc Nhà nước tiếp tục theo dõi chặt chẽ các biến động trên thị trường tài chính tiền tệ; điều hành khối lượng cung trái phiếu ra thị trường phù hợp; duy trì thị trường trái phiếu đầy đủ hàng hóa, hoạt động thường xuyên, liên tục.

Cùng với đó, sẽ gắn kết chặt chẽ giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, giữa quản lý nợ, quản lý ngân quỹ, quản lý ngân sách, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nợ công.

Kho bạc Nhà nước cũng đặt mục tiêu phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu, phù hợp với các nhu cầu đầu tư và tạo lãi suất tham chiếu cho thị trường. Tập trung đổi mới hình phương thức thức phát hành trái phiếu chính phủ thông qua đấu thầu, thực hiện hàng tuần qua Sở Giao dịch chứng khoán với thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch.

Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu nợ công theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thí điểm phát hành các loại trái phiếu mới (trái phiếu xanh, trái phiếu có lãi suất thả nổi…) theo tiến độ triển khai của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, triển khai phát hành trái phiếu chuẩn để nhà tạo lập thị trường thực hiện nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn theo quy định tại Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ, để tăng cường thanh khoản cho thị trường trái phiếu chính phủ.

Lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ cũng tiếp tục được Kho bạc Nhà nước nghiên cứu điều hành theo hướng ổn định, bám sát lãi suất thị trường, phù hợp với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước; đảm bảo khối lượng vốn vay theo nhu cầu sử dụng của ngân sách nhà nước; gắn kết quản lý ngân quỹ và quản lý nợ công để ổn định thị trường, tăng hiệu quả quản lý nợ và quản lý ngân sách…

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcNgành Tài chính hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2021
Bài tiếp theoDoanh nghiệp xã hội được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây