Tại Việt Nam, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản là hiện hữu và đáng báo động nhất khi thị trường hạ nhiệt đột ngột do áp lực của lãi suất, lạm phát gia tăng mạnh cùng với việc siết tín dụng gồm cả vốn ngân hàng lẫn trái phiếu vào bất động sản. Dòng vốn bị thắt nút đột ngột khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhấn mạnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang rất khó khăn về dòng tiền. Khó khăn lớn nhất với các chủ đầu tư là khi đang triển khai, dự án đang trơn tru thì bị dừng lại do tắc vốn. Điều này không chỉ khiến bài toán kinh doanh của doanh nghiệp bị đảo lộn mà còn khiến chủ đầu tư không có tiền chi trả các khoản cho công nhân, nhà thầu, cho nhà cung cấp.
Dưới góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng một khi dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản gặp khó thì sẽ có tác động không mấy tích cực đến sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. “Ngành bất động sản có sự lan tỏa ảnh hưởng tới hơn 30 ngành nghề như vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất… Nếu các chủ dự án không có tiền thanh toán, các ngành nghề này cũng bị ảnh hưởng, dừng lại hoạt động do không có tiền để thanh toán cho tiền lương công nhân và các đầu vào của mình… gây ra hậu quả kinh tế chung”, ông Đính phân tích.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cũng cho biết, về nguồn tín dụng cho bất động sản, HOREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê… của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, mặc dù có sự hồi phục cục bộ, nhưng nhìn chung các cổ phiếu bất động sản vẫn đang trong xu hướng suy giảm. Tính tới giữa tháng 9, cố phiểu bất động sản vẫn là nhóm ngành giảm điểm mạnh hơn thị trường chung. Việc các doanh nghiệp dừng, tạm hoãn, thay đổi kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn…diễn ra trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, thanh khoản sụt giảm, dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi thị trường khi lãi suất huy động tăng.
Có thể kể đến như CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) đã hạ giá và giảm lượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường (dự kiến tổ chức vào tháng 11), công ty dự kiến trình cổ đông kế hoạch chào bán riêng lẻ 58 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 580 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra đầu năm, công ty đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 120 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 12.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.440 tỷ đồng.
So với tờ trình ĐHĐCĐ bất thường sắp tới và ĐHĐCĐ đầu năm, Nhà Thủ Đức đã hạ giá bán và giảm lượng cổ phiếu chào bán; đồng thời đổi mục đích sử dụng vốn hợp tác từ dự án Khu dân cư Đông Trung tại xã Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương (do CTCP Bất động sản Đông Trung làm chủ đầu tư) sang Khu dân cư Nhã Đạt tại ấp Long Thạnh, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư Nhã Đạt).
Novaland cũng điều chỉnh kế hoạch triển khai xây dựng, tiếp tục triển khai hoàn thiện theo giai đoạn các dự án có quy mô lớn, dài hạn và sẽ tiết giảm lại các hạng mục hiện nay đang xây vượt tiến độ chưa cần thiết. Mới đây, thông tin nhận được Novaland cũng đang trình nghị quyết để tạm dừng phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng), HĐQT sẽ xin ý kiến ĐHĐCĐ về thời điểm triển khai phương án phát hành tại cuộc họp ĐHĐCĐ gần nhất.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nếu xét về dài hạn, bất động sản vẫn là ngành tiềm năng, có cơ hội tăng trưởng tốt. Ngay với các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn cũng được đánh giá cao với khả năng cân đối dòng tiền khả thi nhờ giá trị bán hàng mới mở lớn, doanh thu chưa ghi nhận tích cực và khả năng huy động đa kênh hiệu quả, linh hoạt.