Đẩy nhanh xây dựng kế hoạch hành động Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030

0
102

Theo Tổng cục Thuế, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa và vai trò quan trọng nhằm kịp thời thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách hệ thống thuế trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội về Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng như định hướng những mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược Tài chính trong thời gian tới.

Chiến lược cũng bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, Chiến lược Tài chính đến năm 2030; khuyến nghị của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế; đồng thời khắc phục các điểm hạn chế, tồn tại qua đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.

Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/04/2022 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 với mục tiêu chủ đạo và xuyên suốt là xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ. Trong đó, trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản gồm: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; Nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; Công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Để triển khai thực hiện chiến lược, ngày 23/5/2022, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội thảo Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Trên cơ sở đó, hiện Tổng cục Thuế đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược và 13 đề án thành phần để báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt làm cơ sở để triển khai toàn hệ thống. Trong đó, trọng tâm là các đề án về công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử; tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực…

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhận định, thời gian thực hiện Chiến lược còn cả một chặng đường dài gần 10 năm tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế, dịch bệnh và địa chính trị trên thế giới liên tục có nhiều biến động khó lường, tác động đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Thuế hàng năm, cũng sẽ tác động không nhỏ tới việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra tại Chiến lược. Do đó, việc xây dựng kế hoạch hành động triển khai Chiến lược phải hiệu quả, thiết thực, phù hợp thực tiễn mới có thể đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược.

Trong thời gian tới, để chuẩn bị tốt nhất cho định hướng dài hơi từ nay cho đến năm 2030, Tổng cục Thuế yêu cầu Lãnh đạo các Vụ, đơn vị và Cục trưởng Cục Thuế các địa phương căn cứ Chiến lược đã được phê duyệt và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra tại Chiến lược để chủ động xây dựng kế hoạch hành động tại đơn vị mình. Đồng thời, lập phương án, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện 5 năm, hàng năm, góp phần cùng toàn ngành Thuế triển khai hiệu quả Chiến lược và hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcSố hóa ngành Ngân hàng – Chiến lược mang trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng
Bài tiếp theoChủ động điều chỉnh chính sách nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây