Đảm bảo nguồn kinh phí cho phòng, chống dịch Covid-19

0
113

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị trực tuyến “Sơ kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính-NSNN 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Tài chính”, trong 6 tháng đầu năm 2021, NSNN đã chi 4,65 nghìn tỷ đồng; tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Trong đó, 8,4 nghìn tỷ đồng đã được dành công tác phòng, chống dịch Covid-19 (mua vắc-xin, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách ly, phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch); 13,1 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 (về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19) và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19).

Tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, ngân sách nhà nước đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vắc-xin tiêm phòng Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ: Bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021; Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020; Thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đến nay, Quỹ vắc-xin đã huy động được khoảng 8.000 tỷ đồng, một số địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động đóng góp để đảm bảo nguồn kinh phí mua vắc-xin phòng Covid-19 khoảng 2.500 tỷ đồng, tổng cộng nguồn lực khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngày 30/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng 7.650 tỷ đồng để mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ, yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng chi đầu phát triển và giảm bội chi NSNN năm 2021, Bộ Tài chính đã có văn bản số 6299/BTC-NSNN ngày 11/6/2021 hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đảm bảo nguồn kinh phí NSNN để thực hiện các chính sách này.

Theo các dự báo, phân tích, sẽ cần một lượng lớn nguồn vốn ngân sách cho việc thực hiện 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 mà Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021.

Các chính sách cụ thể gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em; Hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0), đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19; Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất…

Để thực hiện các chính sách nêu trên, Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định, các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện.

Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 80% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 60% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 40% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương còn lại.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.

Tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính bảo đảm nguồn NSNN để thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết này; Căn cứ quy định tại Nghị quyết, quy định pháp luật có liên quan và số thực chi của các địa phương (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) để xem xét, hỗ trợ kịp thời từ ngân sách trung ương cho từng địa phương, định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcChính sách thuế, phí, lệ phí góp phần tạo động lực phục hồi nền kinh tế
Bài tiếp theo6 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính thực hiện trên 33,1 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây