Chính sách tài khóa tạo nền tảng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

0
120

Kịp thời triển khai các giải pháp tài khóa

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cùng với những diễn biến khó lường về kinh tế, chính trị thế giới ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền hàng loạt giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: gia hạn, miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trưởng… và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ tham mưu Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai các giải pháp tài khóa thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ cũng như tích cực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phối hợp được giao.

Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành cơ bản việc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thu ngân sách; các chính sách tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội; đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, để chính sách miễn, giảm thuế nhanh chóng đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2022.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 21/5/2022 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/5/2022; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022; Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội…

Cân đối nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH15 ngày 14/6/2022 về việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021; phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021.

Trong đó, bổ sung 240 tỷ đồng cho các nhiệm vụ chi đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Đồng thời, trình Chính phủ cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình. Đến nay, số cắt giảm là 533 tỷ đồng. 

Bên cạnh các nhiệm vụ chủ trì thực hiện trên, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 về chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học dân lập, tư thục. Đồng thời, phối hợp với Bộ Lao động thương binh và xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về việc thực hiện Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Bộ Tài chính cũng đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 đến năm 2023; giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

Hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế hiệu quả

Để các chính sách nhanh chóng phát huy hiệu quả, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các chính sách miễn, giảm thuế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô dự kiến khi xây dựng Chương trình là 64 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, đến nay, ước tính số miễn, giảm khoảng 39.422 tỷ đồng, tương đương trên 61,6%.

Trong đó, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% ước tính 9 tháng đầu năm 2022 khoảng 29.468 tỷ đồng; Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ước tính 9 tháng đầu năm 2022 khoảng 6.555 tỷ đồng. 

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2022, chính sách giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay ước tính khoảng 1.180 tỷ đồng; Điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng ước tính khoảng 1.319 tỷ đồng; Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ước tính khoảng 900 tỷ đồng.

Ngoài ra, do giá xăng dầu tăng đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn gồm: Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 với quy mô dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ đồng và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 07/7/2022 với quy mô dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng. Ước thực hiện các chính sách này 9 tháng đầu năm khoảng 13.920 tỷ đồng. 

Cùng với miễn giảm thuế, chính sách gia hạn thuế có quy mô dự kiến khi xây dựng Chương trình là 135 nghìn tỷ đồng cũng được triển khai hiệu quả. Theo Bộ Tài chính, đến nay, đã gia hạn các loại thuế là 97.895 tỷ đồng, tương đương khoảng 72,5%. Trong đó, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 ước thực hiện đến hết tháng 9/2022 là 91.525 tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước: ước thực hiện đến hết tháng 9/2022 là 6.370 tỷ đồng. 

Có thể thấy, giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cùng các giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được ban hành và triển khai thực hiện kịp thời, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, với tình huống chưa từng xảy ra và những chính sách chưa từng có đã cho thấy sự cố gắng nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, từ việc hoạch định, xây dựng các cơ chế chính sách cho đến đưa ra lấy ý kiến và ban hành một cách nhanh nhất nhưng vẫn đảm bảo trình tự yêu cầu và chặt chẽ trong thực thi.

Đến nay, có thể thấy, các cân đối vĩ mô đã được đảm bảo, giữ ổn định và đà hồi phục, tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung đã “vào guồng”. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2022, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Chương trình phục hồi đúng hướng và hiệu quả đã tạo niềm tin cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcGiá nhà biệt thự, liền kề giảm sâu sau khi nguồn cung tăng mạnh
Bài tiếp theoPhó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Người gửi tiền tiết kiệm không có gì phải lo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây