Bộ Xây dựng cảnh báo nhà đầu tư gom trái phiếu bất động sản

0
112

Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho thấy trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỷ đồng, nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trị thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỷ đồng.

Nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu lớn

Nổi bật là đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trong nước với tổng giá trị 500 tỉ đồng của Công ty cổ phần Glexhomes; đợt phát hành ra công chúng giá trị 1.500 tỷ đồng của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC).

Trong quý có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD) và trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD). Trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng có 26% trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu.

Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5-11%/năm. Riêng lãi suất trái phiếu mà các ngân hàng phát hành thấp hơn và có sự phân hóa, dao động từ >3%- >7,5%.

Có thể thấy vào cuối quý II/2021 trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp phát hành tăng cao, trong đó nhóm ngành bất động sản thể hiện nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu lớn.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng dẫn khuyến cáo của Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho thấy nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Số liệu về tình hình phát hành TPDN riêng lẻ trong nước trong quý II/2021 (Nguồn: Bộ Xây dựng/đơn vị: Tỷ đồng)

“Đặc biệt cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo và nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao và rủi ro cho nhà đầu tư cũng sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường bất động sản có biến động tiêu cực” – báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ.

Cảnh báo nhiều rủi ro

Đánh giá chung về thị trường trái phiếu nửa đầu năm 2021, nhóm nghiên cứu của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản sẽ khiến nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Lãi suất trái phiếu bất động sản vì thế có thể nhích tăng và sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác. Nhưng SSI cũng khuyên nhà đầu tư nên thận trọng, vì lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu có nhiều rủi ro.

Chia sẻ với DĐDN, một chuyên gia tài chính cho biết, có những doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về dòng tiền. Để duy trì dòng tiền luôn luôn dương chỉ có cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều đợt, với lãi suất lần phát hành sau cao hơn lần trước, dùng lãi suất cao để thu hút vốn nên rất rủi ro.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra lời cảnh báo rủi ro và cho rằng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không nên chỉ nhìn vào lãi suất. Bởi phần lớn các trái phiếu lưu hành trên thị trường cũng như doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chưa được định giá xếp hạng tín nhiệm tín dụng độc lập để giúp nhà đầu tư tham khảo và bổ trợ cho quyết định đầu tư.

“Ngay cả nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tổ chức cũng có thể gặp khó khăn trong việc đánh giá chất lượng trái phiếu khi chưa có hệ thống và đội ngũ đánh giá nội bộ. Cùng với đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp phát hành có thể bị tác động tiêu cực dẫn đến chất lượng trái phiếu bị ảnh hưởng” – chuyên gia này bày tỏ quan điểm.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcNgân hàng nào đang tối ưu chi phí hoạt động nhất?
Bài tiếp theoSau cơn sốt, giá đất nền đang giao dịch ở mức nào?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây