Header Ads
Trang chủ Blog Trang 3

Tập trung ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật trên không gian mạng

0

Hội nghị được tổ chức với mục đích đánh giá thực trạng hoạt động quảng cáo trên mạng tại Việt Nam và bàn giải pháp cần tập trung triển khai thời gian tới với sự tham gia của đại diện các nhãn hàng, thương hiệu, doanh nghiệp quảng cáo trong và ngoài nước cùng đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội liên quan.

Tại Hội nghị, thông tin về kết quả trong hơn một năm triển khai các giải pháp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, đặc biệt là bộ giải pháp Whitelist – nội dung được xác thực khuyến nghị quảng cáo và Blacklist – nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật yêu cầu không quảng cáo, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp quảng cáo lớn đều đã chú trọng sử dụng Blacklist, chủ động xây dựng và Blacklist do Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo. Các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo và các nhãn hàng cũng đã đồng hành ủng hộ Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc không hợp tác quảng cáo với những KOL, người nổi tiếng có hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, các đơn vị làm quảng cáo cũng đã hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu các nền tảng này muốn hoạt động tại Việt Nam thì phải đảm bảo an toàn cho thương hiệu, cho các nhà quảng cáo; Phải tăng cường các bộ lọc, biện pháp kỹ thuật để doanh nghiệp yên tâm khi quảng cáo trên nền tảng.

Nhờ vậy, trong năm 2023, YouTube đã chặn gỡ 25 kênh nội dung phản động, xấu độc, gấp 5 lần so với năm 2022. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã xử phạt 10 doanh nghiệp và nhắc nhở 15 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo có hành vi sai phạm. Cũng trong năm 2023, Whitelist khuyến nghị cho hoạt động quảng cáo đã được xây dựng và công bố, đến nay đã có khoảng 4.000 trang, kênh của cả báo chí, mạng xã hội và các trang tin điện tử tổng hợp.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm, tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung trên mạng vào tháng 5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã truyền đi thông điệp “Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo, và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch”. Tuy nhiên, đến nay thông điệp này chưa đi vào thực tế, Whitelist cũng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, đa số doanh nghiệp không sử dụng danh sách này dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần khuyến nghị.

Nguyên nhân của tình trạng trên được cho rằng: Các doanh nghiệp, đơn vị chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan trên các trang thông tin điện tử (website, kênh, tài khoản cá nhân) vi phạm, kém chất lượng. Mặc dù doanh nghiệp, đơn vị có ý thức sử dụng và cập nhật danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm (Blacklist) nhưng không thể đảm bảo rà soát và xây dựng được Blacklist đầy đủ do bị phụ thuộc vào tính chất đặc thù của nội dung trên internet và mạng xã hội được đăng tải và biến đổi từng giây phút. 

Phát biểu tại Hội nghị, nhấn mạnh mục tiêu chung, đảm bảo nội dung trên mạng là lành mạnh, thay đổi để hoạt động quảng cáo trực tuyến tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị làm quảng cáo là những “người trong cuộc” đóng góp các ý tưởng, đề xuất những phương pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả, thể hiện trách nhiệm với ngành quảng cáo và xã hội.

Gợi mở phương án các đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chung cho ngành quảng cáo trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng nên mở rộng không chỉ Whitelist mà cả Blacklist. Bên cạnh đó, các Sở Thông tin và Truyền thông thời gian tới cần cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo để mở rộng Blacklist và Whitelist. Trong đó, Blacklist cần mở rộng theo hướng bao gồm cả những nội dung chia sẻ trên mạng dù không thuộc phạm vi cấm nhưng không phù hợp với giá trị, đạo đức, không đúng chuẩn mực.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu: Ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng. Các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới nếu không tuân thủ luật pháp Việt Nam sẽ không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm yêu cầu Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử coi việc mở rộng Whitelist là nhiệm vụ quan trọng, song cũng phải thông tin rõ Whitelist là danh sách khuyến cáo, là danh sách mà các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với các đơn vị, hiệp hội đưa ra tại một thời điểm nhất định.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng kêu gọi các các công ty trong nước đang làm quảng cáo cho nước ngoài sử dụng công nghệ để xác thực kênh Whitelist nhanh, phải nhận biết kênh Whitelist bằng công nghệ để đẩy quảng cáo vào nhanh và giá tốt nhất.

Theo dangcongsan.vn

Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 28/3: Chỉ mua khi thị trường có rung lắc

0

(ĐTCK) Tín hiệu tích cực vẫn được duy trì sau hai phiên tăng điểm liên tiếp, tuy nhiên việc thanh khoản có phiên sụt giảm thứ hai so với mốc trung bình 20 phiên (đã ước lượng nếu hệ thống chứng khoán VNDIRECT được giải quyết) đang cho thấy tâm lý của giới đầu tư vẫn khá thận trọng.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 28/3.

Chốt lời từng một phần những cổ phiếu đang có dấu hiệu suy yếu

CTCK Vietcombank (VCBS)

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời từng một phần đối với những cổ phiếu đang có dấu hiệu suy yếu và đã có nhịp tăng điểm tốt trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, chỉ duy trì tỷ trọng đối với những cổ phiếu đã có mức chiết khấu tốt sau nhịp điều chỉnh và có tín hiệu thu hút dòng tiền thuộc các nhóm ngành như bán lẻ, xây dựng.

Chỉ số VN-Index vẫn đang trong nhịp tăng trung hạn nhưng xác suất rung lắc điều chỉnh trong ngắn hạn với biên độ 10-20 điểm vẫn cần được tính đến.

Chỉ mở vị thế mua khi thị trường có rung lắc

CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Tín hiệu tích cực vẫn được duy trì sau hai phiên tăng điểm liên tiếp, tuy nhiên việc thanh khoản có phiên sụt giảm thứ hai so với mốc trung bình 20 phiên (đã ước lượng nếu hệ thống chứng khoán VNDIRECT được giải quyết) đang cho thấy tâm lý của giới đầu tư vẫn khá thận trọng.

Mặc dù vậy, chúng tôi tiếp tục bảo lưu quan điểm VN-Index sẽ tiến tới kháng cự 1.317-1.325 điểm trong các tuần tới và vẫn ưu tiên vị thế mua. Tuy nhiên, chỉ mở vị thế mua khi thị trường có rung lắc như trong hai phiên gần đây.

Tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Chỉ số VN-Index hình thành mẫu nến rút chân với hiệu ứng tích cực tập trung phần lớn ở nhóm cổ phiếu midcap và smallcap, giúp tránh được một phiên điều chỉnh sâu.

Mặc dù vậy, phản ứng của phe mua không quá thuyết phục khi đi kèm lượng thanh khoản suy giảm và áp lực từ phe bán vẫn tương đối quyết liệt quanh các vùng đỉnh ngắn hạn.

Do đó, nhiều khả năng VN-Index tiếp tục vận động rung lắc giằng co trong vùng 1.300 (+/-10) điểm và rủi ro đảo chiều xu hướng vẫn nên được lưu ý nếu chỉ số xuất hiện những phiên bulltrap mạnh hoặc tăng vượt đỉnh nhưng không đi kèm khối lượng giao dịch tăng tương xứng.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, ưu tiên cơ cấu tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn khi chỉ số hoặc cổ phiếu đang nắm giữ vượt đỉnh.

Đưa ra các mốc thực hiện hóa lợi nhuận nếu đạt tỷ suất sinh lời >10-15%

CTCK Asean

Sau nhịp điều chỉnh nhẹ trong phiên, lực cung không quá lớn cộng với việc nhóm ngành khác ngân hàng, chứng khoán tăng điểm lan tỏa tâm lý tích cực đến toàn thị trường, càng về cuối phiên phe bán càng tỏ ra yếu thế.

Tâm lý thị trường dần ổn định sau 3 phiên, thanh khoản phiên chiều tăng nhẹ so với phiên hôm qua.

Tuy vậy, chúng tôi bảo lưu rủi ro tiềm ẩn từ việc VN-Index đang tăng điểm mà thiếu đi sự tích lũy. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư dừng mua và lưu ý đưa ra các mốc thực hiện hóa lợi nhuận nếu vị thế đạt tỷ suất sinh lời >10-15%.

Góc nhìn kỹ thuật phiên giao dịch chứng khoán ngày 28/3: Gặp khó ngắn hạn quanh vùng điểm 1.290-1.300 điểm

0

(ĐTCK) Các chỉ báo kỹ thuật như RSI đang ở mức 48, cho thấy thị trường đang ở trạng thái trung lập. Đường MACD đang cắt xuống dưới đường tín hiệu, đây là tín hiệu cho thấy xu hướng giảm có thể tiếp tục trong thời gian tới.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 28/3.

CTCK Vietcombank – VCBS

Chỉ số VN-Index ghi nhận phiên điều chỉnh giảm điểm nhẹ với thanh khoản thấp hơn trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo CMF hướng xuống cùng với việc RSI liên tục hình thành các đỉnh nhỏ cho thấy dòng tiền mua chủ động chưa đủ thuyết phục để giúp cho VN-Index vượt lên trên khu vực kháng cự trung hạn 1.290 điểm.

Bên cạnh đó, chỉ đường ADX vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm cho thấy trong ngắn hạn thị trường sẽ gặp khó khăn quanh vùng điểm 1.290-1.300 điểm.

Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo MACD và RSI đang suy yếu dần và xác suất MACD hình thành phân kỳ âm vẫn đang bỏ ngỏ và cần được tính đến khi áp lực bán liên tục xuất hiện mỗi khi VN-Index tiếp cận khu vực 1.290 điểm.

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index.

CTCK VietCap

Dự báo ngày mai, VN-Index sẽ có nỗ lực kiểm định kháng cự tại 1.285-1.290 điểm sau một vài nhịp tích lũy gần đây.

Nếu lực mua gia tăng giúp chỉ số vượt cản thành công với thanh khoản cải thiện, xu hướng tăng ngắn và trung hạn của thị trường sẽ được củng cố. VN-Index sẽ kéo dài đà tăng lên kháng cự tiếp theo quanh vùng 1.305-1.310 điểm. Ngược lại, nếu không vượt thành công, VN-Index có thể giảm lại về hỗ trợ MA10 tại 1.268 điểm.

CTCK Asean

Phiên giao dịch ngày 27/3 diễn ra với cây nến Doji, cho thấy sự cân bằng giữa lực mua và lực bán. Các chỉ báo kỹ thuật như RSI đang ở mức 48, cho thấy thị trường đang ở trạng thái trung lập. Đường MACD đang cắt xuống dưới đường tín hiệu, đây là tín hiệu cho thấy xu hướng giảm có thể tiếp tục trong thời gian tới.

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index.
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index.

Không ngại “rung lắc”

0

(ĐTCK) Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, thị trường chung và nhiều nhóm cổ phiếu vẫn còn dư địa tăng giá.

Ông có nhìn nhận như thế nào về việc thị trường gần đây “rung lắc” mạnh sau nhịp tăng kéo dài 3 tháng?

Thị trường chứng khoán đã có nhịp tăng tích cực với VN-Index tăng hơn 12% kể từ đầu năm 2024 đến nay. Vì vậy, những phiên điều chỉnh ngắn hạn xuất hiện là sự điều chỉnh kỹ thuật bình thường của thị trường.

Xét dài hạn, thị trường vẫn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như kinh tế Việt Nam năm 2023 duy trì ổn định và có triển vọng tích cực hơn trong bối cảnh thế giới biến động khó lường; mặt bằng lãi suất trong nước giảm mạnh giúp tăng sức hấp dẫn cho các thị trường đầu tư nói chung, đặc biệt là thị trường chứng khoán; biến động tỷ giá trong tầm kiểm soát nhờ nguồn dự trữ ngoại hối và thặng dư thương mại; khả năng thị trường được nâng hạng ngày càng rõ nét…

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Giai đoạn hiện tại, ông có cho rằng, thị trường vẫn thích hợp cho việc lướt sóng ngắn hạn?

Trong góc nhìn nửa đầu năm 2024, tôi đánh giá sẽ có nhiều yếu tố tạo động lực cho thị trường. Tại cuộc họp gần đây nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ vững quan điểm về việc sẽ có 3 đợt hạ lãi suất trong năm nay, tạo nên sự kỳ vọng về thay đổi xu hướng chính sách của cơ quan này, qua đó tạo động lực tăng cho thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong nước, cuối quý I, đầu quý II/2024, kế hoạch kinh doanh năm nay của các doanh nghiệp niêm yết sẽ được hé lộ thông qua mùa đại hội cổ đông, dự kiến nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng.

Mặc dù vậy, sự phân hóa giữa các ngành và cổ phiếu đang ngày một rõ nét hơn. Do đó, đầu tư theo một danh mục đầu tư bao quát, với tỷ trọng cổ phiếu, ngành thích hợp có thể mang lại lợi nhuận phù hợp, cân bằng với yếu tố rủi ro ngắn hạn.

Theo ông, nhóm cổ phiếu/doanh nghiệp nào đáng quan tâm đầu tư?

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng cao hơn VN-Index trong giai đoạn từ đầu năm 2024 đến nay (16,4% so với hơn 12%), nhưng vẫn còn dư địa tăng. Định giá P/E và P/B của ngành này đang lần lượt ở mức 10,02 lần và 1,62 lần, cao hơn so thời điểm cuối năm 2022 khoảng 10%, nhưng thấp hơn so với mức trung bình 10 năm qua (P/E là 12,2 lần, P/B là 1,85 lần).

Nếu động lực cho thị trường chứng khoán năm 2024 được kỳ vọng sẽ nằm ở tăng trưởng kinh tế và nền lãi suất thấp thì khả năng cao là cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ còn nhiều cơ hội để dẫn dắt thị trường, bởi triển vọng chi phí giá vốn rẻ hơn, biên lãi ròng phục hồi, tín dụng được đẩy mạnh, dẫn tới lợi nhuận tăng trưởng. Chúng tôi dự báo, lợi nhuận sau thuế ngành ngân hàng năm 2024 có thể tăng 15% so với mức nền tăng trưởng thấp (3,8%) của năm 2023 và mức định giá ước tính năm nay của cổ phiếu vẫn hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh nền lãi suất thấp như hiện tại.

Vốn hóa nhóm ngân hàng hiện đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, chiếm 31,5% vốn hóa toàn thị trường. Theo đó, biến động của các cổ phiếu ngân hàng sẽ tác động lớn đến chỉ số chung và tâm lý thị trường trong năm 2024.

Đầu tư công là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, được thừa kế nền tảng từ việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm trong năm 2023, cùng với điểm sáng thu hút FDI năm 2023 và triển vọng năm 2024 có khả năng tác động tích cực tới lĩnh vực bất động sản công nghiệp (giá cho thuê đang có xu hướng tăng do nguồn cung mới không còn nhiều) và lĩnh vực hạ tầng, bên cạnh đó là một số doanh nghiệp nhóm vật liệu xây dựng.

Với nhóm cổ phiếu chứng khoán, bức tranh kinh doanh năm 2023 cho thấy cơ cấu doanh thu có sự thay đổi đáng kể. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận dần sự phụ thuộc vào tăng trưởng quy mô tài sản và chi phí giá vốn vay ngắn hạn. Bên cạnh đó, giá trị các tài sản tài chính phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường chứng khoán và nền lãi suất huy động thực tế (tác động tới giá trị chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu doanh nghiệp, kỳ vọng năm 2024 sẽ khó hạ lãi suất nền như năm 2023). Tôi đánh giá, nhóm cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính có triển vọng trong năm 2024, nhưng mức độ phân hóa có thể sẽ mạnh mẽ, cần được lựa chọn một cách cẩn thận.

Khách hàng của VNDirect có thể vào kiểm tra tài khoản của mình

0

(ĐTCK) Mặc dù hệ thống vẫn đang “treo”, nhưng nhà đầu tư mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán VND) đã có thể vào để kiểm tra tài khoản của mình.

Thông qua đường link https://myaccount.vndirect.com.vn/bao-cao/bao-cao-tai-san/tong-quan-tai-san, khách hàng có thể được tài khoản của mình để kiểm tra tổng quan, danh mục tài sản. Dữ liệu được cập nhật tới thời điểm trước 10h ngày Chủ nhật (ngày 24/3), trước khi xảy ra sự cố.

VNDirect cho biết, hệ thống Công ty đã bị tấn công bởi một nhóm tấn công chuyên nghiệp, nhóm này đã mã hóa toàn bộ dữ liệu của Công ty. Ngay khi phát hiện sự cố, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ từ rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này để tìm ra giải pháp khắc phục. Cũng theo VNDirect, về mặt nguyên tắc, toàn bộ quyền lợi của khách hàng sẽ được công ty đảm bảo, tất cả tài sản của khách hàng tại VNDirect hoàn toàn không bị ảnh hưởng trong sự cố này.

Ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch HĐQT VNDirect cho biết, hiện Công ty đã gần hoàn thành việc giải mã tất cả dữ liệu bị phong tỏa và đang bắt đầu quá trình khắc phục hệ thống để có thể kết nối và giao dịch trở lại, nếu suôn sẻ có thể thực hiện vào ngày thứ Năm (28/3)

Theo VNDirect, việc khắc phục sự cố được thực hiện theo hai bước. Thứ nhất là giải mã các dữ liệu bị mã hoá, thứ hai là khôi phục hệ thống. Sau khi sự cố được khắc phục, Công ty sẽ có những chính sách để đảm bảo thêm quyền lợi cho khách hàng, khắc phục được hậu quả của những ngày không thể giao dịch.

Chị Ngọc Mai, nhà đầu tư tại sàn VNDirect cho biết, thông qua việc kiểm tra tài khoản phần nào giúp nhà đầu tư “yên tâm” về tài khoản vẫn còn. Việc các nhà đầu tư mất cơ hội trong ít nhất 3 phiên không giao dịch được là khó có tránh khỏi, nhưng cũng biết rằng đây là sự cố ngoài mong muốn với công ty, nhà đầu tư trước mắt chỉ mong sớm được giao dịch trở lại bình thường.

“Cũng rất may là diễn biến của thị trường trong ba phiên vừa qua không có quá nhiều biến động, thị trường không tăng mạnh và giảm quá sâu”, nhà đầu tư này chia sẻ.

Phiên giao dịch chiều 27/3: VND hãm đà rơi, nhóm bất động sản hút tiền

0

(ĐTCK) Dù VN-Index biến động trong biên độ hẹp và thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp so với các phiên trước, nhưng thị trường hôm nay cũng có những điểm nhấn đáng chú ý.

Sau phiên sụt giảm đầu tuần, thị trường đã có 2 phiên hồi phục trở lại hôm qua và hôm nay (27/3), nhưng thanh khoản lại đứng ở mức thấp. Trong phiên hôm nay, diễn biến tỏ ra cân bằng của lực cung và lực cầu khiến VN-Index chỉ lình xình trong biên độ hẹp và số mã tăng giảm cũng không chênh lệch nhiều.

Nếu như trong phiên sáng, thị trường mở cửa với sắc xanh, sau đó quay đầu giảm dần và đóng cửa dưới tham chiếu, thì trong phiên chiều lại ngược lại, thị trường mở cửa nới rộng đà giảm, nhưng sau đó hồi phục dần và đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, VN-Index tăng 0,88 điểm (+0,07%), lên 1.283,09 điểm với 244 mã tăng và 209 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 919,3 triệu đơn vị, giá trị 24.060,7 tỷ đồng, tương đương với phiên hôm qua về khối lượng, nhưng tăng gần 10% về giá trị cho thấy hôm nay tiền chảy vào các mã bluechip có thị giá lớn. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 116 triệu đơn vị, giá trị 4.557 tỷ đồng, với đóng góp chính trong giao dịch thỏa thuận 39,6 triệu cổ phiếu MSN, giá trị 2.753,3 tỷ đồng.

Dù VN-Index lình xình trong biên độ hẹp, nhưng thị trường vẫn có những điểm nhấn đáng chú ý.

Đầu tiên là QCG vẫn duy trì sức nóng dù chịu áp lực chốt lời mạnh sau 2 phiên tăng kịch trần liên tiếp đầu tuần. Trong phiên sáng, áp lực chốt lời khiến QCG có thời điểm đã lùi về ngưỡng 12.100 đồng, nhưng lực cầu sau đó hoạt động mạnh đã kéo mã này trở lại mức trần 12.450 đồng.

Trong phiên chiều, lực cầu áp đảo hoàn toàn, trong khi bên nắm giữ cổ phiếu không bán ra nhiều, khiến giao dịch diễn ra chậm hơn nhiều so với phiên sáng và mức giá kịch trần được duy trì hết phiên với thanh khoản 3,34 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất trong phiên chiều là VSC khi lình xình trong suốt phiên sáng và 30 phút đầu của phiên chiều, nhưng bất ngờ nhảy vọt khi lực cầu lớn được tung vào, hấp thụ hết lượng dư bán, kéo VSC lên thẳng mức giá trần 23.550 đồng với thanh khoản xác lập mức kỷ lục 13,38 triệu đơn vị và còn dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.

Ngoài 2 mã không có lực bán vẫn duy trì sắc tím từ đầu phiên sáng là VCF và SVD, trong phiên chiều còn chứng kiến thêm các sắc tím khác, đáng chú ý là tại CSV với 1,92 triệu đơn vị được khớp và VRC ghi nhận phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp sau chuỗi 3 phiên điều chỉnh trước đó.

Trong khi đó, VND sau 2 phiên bị bán mạnh do thông tin liên quan đến hệ thống bị tấn công và bị 2 sở ngắt giao dịch, hôm nay đã hãm đà rơi khi Công ty cho biết đã cơ bản khắc phục xong và có thể giao dịch trở lại vào ngày mai 28/3. Hôm nay, nhà đầu tư mở tài khoản tại VND cũng có thể vào để kiểm tra tài khoản của mình.

Chốt phiên, VND chỉ còn giảm 0,64% xuống 23.300 đồng, có lúc đã hồi phục lên 23.800 đồng, tăng 1,5% so với tham chiếu. Tổng khối lượng khớp 37 triệu đơn vị, đứng thứ 2 trên sàn HOSE sau NVL. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn không đủ tin tưởng nên tiếp tục bán ròng VND hôm nay, dù khối lượng bán ròng chỉ chưa tới 1 triệu đơn vị, thấp hơn rất nhiều 2 phiên trước đó.

Ngoài VND, khối công ty chứng khoán còn chứng kiến sắc đỏ tại một số mã khác như TVB, VDS, VCI, FTS, CTS và APG, trong khi có 6 sắc xanh tại SSI, HCM, AGR, ORS, VIX và BSI, nhưng mức tăng giảm của các mã trong khối này không lớn

Trong khi đó, đáng chú ý hôm nay là khối bất động sản và thép khi có sức hút lớn với dòng tiền. Trong Top 10 mã thanh khoản hôm nay có 4 mã liên quan tới bất động sản, 3 mã chứng khoán, 2 mã thép và 2 mã ngân hàng. Trong đó, đứng đầu thanh khoản là NVL với 43,78 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,4% lên 18.100 đồng. DIG tăng 2,5% lên 32.750 đồng, khớp 22,46 triệu đơn vị, DXG tăng 2,27% lên 20.300 đồng, khớp 21,34 triệu đơn vị.

Về giá, ngoài 2 sắc tím tại QCG và VRC và 3 sắc xanh của 3 mã có thanh khoản tốt trên, nhóm bất động sản, xây dựng còn có một số mã tăng tốt khác là HBC tăng 4,12% lên 9.090 đồng, VPH tăng 3,41% lên 8.500 đồng, NHA tăng 3% lên 22.300 đồng…

Trong khi đó, nhóm ngân hàng chỉ có 5 sắc xanh nhạt, trong khi sắc đỏ nhiều gấp 2 lần, nhưng mức giảm cũng không lớn.

Trong nhóm VN30, mã tăng tốt nhất hôm nay là MWG tăng 4,21% lên 50.700 đồng, khớp 12,74 triệu đơn vị. MSN hạ nhiệt bớt so với phiên sáng khi chỉ còn tăng 1,89% lên 75.400 đồng, khớp 6,07 triệu đơn vị.

Sàn HNX sau khi mở cửa phiên chiều với sắc đỏ nhạt cũng nhanh chóng lấy lại đà tăng, nhưng mức tăng lúc chốt phiên cũng không lớn.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,82 điểm (+0,34%), lên 242,85 điểm với 103 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 84,6 triệu đơn vị, giá trị 1.799,5 tỷ đồng, tương đương với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,7 triệu đơn vị, giá trị 128,4 tỷ đồng.

SHS và CEO là 2 mã có thanh khoản tốt nhất hôm nay và vượt trội so với phần còn lại, trong đó SHS khớp 16,85 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,49% lên 20.500 đồng, còn CEO đứng tham chiếu 23.600 đồng, khớp 13,28 triệu đơn vị.

Các mã có thanh khoản từ hơn 2 triệu đơn vị đến hơn 6 triệu đơn vị là PVS, TNG, HUT, TIG, PVS và MBS, đều đóng cửa với sắc xanh nhạt, ngoại trừ TIG tăng 2,21% và TNG tăng 4,11%.

Trong khi đó, dù rất nỗ lực, nhưng UPCoM lại không có được may mắn như 2 sàn niêm yết khi không thể kịp trở lại tham chiếu lúc đóng cửa.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,03%), xuống 91,18 điểm với 178 mã tăng và 94 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,1 triệu đơn vị, giá trị 758,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 11 triệu đơn vị, giá trị 264 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM với 4,57 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,52% lên 19.400 đồng. Tiếp đến là VGI khớp 3,89 triệu đơn vị, đóng cửa tăng mạnh 9,59% lên 40.000 đồng. DDV có thanh khoản tiếp theo với 3,52 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 3,61% xuống 16.000 đồng. Trong khi đó, HHG lại tăng kịch trần lên 2.300 đồng, khớp 3,37 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng nhẹ tương đương với thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 4 là VN30F2404 tăng 3 điểm (+0,23%), lên 1.288 điểm với 194.509 hợp đồng được giao dịch, giá trị 24.990 tỷ đồng; khối lượng mở 53.104 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 4 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị, trong đó có 3 mã do SSI phát hành, mã còn lại do ACBS phát hành, là các chứng quyền của MWG, MSN, HPG và TCB, mức biến động giá của các chứng quyền này khi đóng cửa không lớn.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 6,07 triệu đơn vị được giao dịch, giá trị 3.450,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch lớn nhất là IDS12101 với 2,65 triệu đơn vị, giá trị 266,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về giá trị, thì ACB12320 của ACB là mã có giá trị giao dịch lớn nhất với 1.328 tỷ đồng, dù chỉ có 12.500 đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp đến cũng là mã mã trái phiếu khác của ACB là ACB12302 với 726,4 tỷ đồng với 7.000 trái phiếu.

Giao dịch chứng khoán khối ngoại ngày 27/3: Bán ròng mạnh nhất từ đầu năm, tới gần 1.900 tỷ đồng

0

(ĐTCK) Trong khi thị trường chung không có nhiều biến động thì nhà đầu tư nước ngoài lại có phiên giao dịch đột biến khi bán ròng mạnh nhất từ đầu năm, tới gần 1.900 tỷ đồng, với tâm điểm là MSN.

Trên sàn giao dịch HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 68,89 triệu đơn vị, tổng giá trị 3.056,59 tỷ đồng, tăng 16,78% về khối lượng và 68,82% về giá trị so với phiên hôm qua (ngày 26/3).

Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 108,84 triệu đơn vị, giá trị 4.935,52 tỷ đồng, tăng 60,8% về khối lượng và 148,5% về giá trị so với phiên trước.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 39,96 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 1.878,93 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần về lượng và gần 10 lần về giá trị so với phiên trước đó.

Hôm nay, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VSC với khối lượng 1,99 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 45,53 tỷ đồng. Với lực cầu nội tham gia mạnh mẽ, cùng sự “hậu thuẫn” của nhà đầu tư nước ngoài, cổ phiếu VSC đã có phiên giao dịch đầy ấn tượng khi đóng cửa tăng kịch trần lên mức giá 23.550 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh bùng nổ, đạt gần 13,5 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, khối này bán ròng mạnh cổ phiếu MSN với khối lượng hơn 14,2 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng lên tới 1.070,76 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu VIX bị bán ròng 8,49 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 177,96 tỷ đồng.

Trên sàn giao dịch HNX, khối ngoại mua vào 1,34 triệu đơn vị, giá trị đạt 23,54 tỷ đồng, giảm 25,25% về lượng và 56,67% về giá trị so với phiên trước đó.

Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 1,2 triệu đơn vị, giá trị bán ra đạt 27,53 tỷ đồng, giảm 76,37% về lượng và 78,85% về giá trị so với phiên trước.

Do đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 134.310 đơn vị, tổng giá trị là bán ròng 3,99 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó bán ròng xấp xỉ 3,3 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 75,86 tỷ đồng.

Phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu TNG với giá trị đạt 6,66 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 295.700 đơn vị. Tuy nhiên, TIG là cổ phiếu dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh về khối lượng, đạt 376.500 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 5,19 tỷ đồng.

Trái lại, cổ phiếu CEO bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng 360.000 đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng đạt 8,45 tỷ đồng. Tiếp theo là SHS bị bán ròng 339.300 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 7,03 tỷ đồng.

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua vào 1,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 40,77 tỷ đồng, giảm 31,93% về lượng và 25,5% về giá trị so với phiên trước đó.

Mặt khác, khối này bán ra 753.350 đơn vị, giá trị đạt 21,66 tỷ đồng, tăng 12,49% về lượng và 18,23% về giá trị so với phiên trước đó.

Do đó, phiên này khối ngoại đã mua ròng 1,05 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 19,11 tỷ đồng, giảm 47% cả về lượng và giá trị so với phiên trước đó.

Hôm nay, khối này vẫn mua ròng mạnh nhất cổ phiếu DDV với khối lượng 575.000 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 9,15 tỷ đồng. Tiếp theo là QNS được mua ròng 5,15 tỷ đồng (104.300 đơn vị); VEA được mua ròng 4,26 tỷ đồng (113.200 đơn vị)…

Trong khi đó, khối này bán ròng mạnh nhất NTC đạt 2,01 tỷ đồng (10.000 đơn vị) và BSR bị bán ròng 1,99 tỷ đồng (104.800 đơn vị).

Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 27/3, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 38,78 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 1.863,81 tỷ đồng, gấp gần 4 lần về lượng và gấp gần 9 lần về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua ngày 26/3 (bán ròng 214,97 tỷ đồng).

Sự cố VNDirect ảnh hưởng đến nhà đầu tư thế nào?

0

Ngày 25/3, VNDirect đã có văn bản báo cáo về sự cố hệ thống giao dịch trực tuyến gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Sự cố phát sinh lúc 10 giờ ngày 24/3 tại DC Fornix Duy Tân. Hệ thống công nghệ thông tin của VNDirect đã bị tấn công hạ tầng ảo hóa bởi tổ chức hacker quốc tế, dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch của Công ty tạm thời không đăng nhập được.

Việc ứng dụng (app) hay website của VNDirect bị “sập” khiến nhiều nhà đầu tư không thể giao dịch, phát sinh tâm lý hoang mang, đặc biệt là những nhà giao dịch ngắn hạn, lướt sóng, nhà đầu tư đang ký quỹ hoặc những nhà đầu tư đang cần rút tiền. Thậm chí, không ít nhà đầu tư lo lắng về tài sản của mình tại VNDirect có thể “bốc hơi” giống như toàn bộ dữ liệu trên VNDirect mấy ngày nay. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự cố cục bộ, không ảnh hưởng đến toàn thị trường.

Đại diện VNDirect cho biết, để khắc phục sự cố, sáng 25/3, Công ty đã phối hợp với các đối tác (FPT, Viettel) để xử lý, khắc phục, đảm bảo an toàn cho toàn bộ thông tin và tài sản của khách hàng. Công ty khẳng định sự cố này làm gián đoạn hoạt động giao dịch nhưng không làm ảnh hưởng đến trạng thái tài sản trên tài khoản chứng khoán của khách hàng.

Theo VNDirect, ảnh hưởng đối với thị trường, khách hàng, hệ thống giao dịch và hệ thống khác có liên quan, khách hàng không đăng nhập để thực hiện được giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, Công ty khẳng định chưa phát sinh thiệt hại.

“Công ty đã bắt đầu làm chủ lại hệ thống và tăng tốc trong việc khôi phục. Tuy nhiên, do lượng dữ liệu quá lớn nên hệ thống xử lý mất thời gian hơn nhiều so với dự kiến ban đầu”, VNDirect thông báo và cho biết, đang chuẩn bị các phương án để có các chính sách hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn sắp tới.

Trong ngày 25/3, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cũng tạm thời ngắt kết nối giao dịch của VNDirect với HNX, HOSE kể từ ngày 25/3 cho đến khi Công ty này khắc phục được hoàn toàn sự cố.

Đánh giá về động thái này của HNX và HOSE, ông Đặng Trần Phục – Chủ tịch HĐQT Azfin Việt Nam cho rằng, đây là việc làm cần thiết của cơ quan quản lý để đảm báo tránh những mất mát có thể xảy ra đối với nhà đầu tư và cả VNDirect.

“HNX và HOSE kịp thời ngắt kết nối giao dịch của VNDirect sẽ giúp nhà đầu tư bị tổn thất trong trường hợp hệ thống chưa ổn định, việc vào lệnh nếu gặp sự cố có thể gây thiệt hại rất nhiều”, ông Phục khẳng định.

Sau khi sự cố VNDriect xảy ra, UBCKNN cũng đã ngay lập tức có công văn cảnh báo bảo mật hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến gửi tới các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Trước đó, năm 2015, VNDirect cũng xảy ra sự cố công nghệ thông tin, khiến hệ thống giao dịch “bị đơ”, làm gián đoạn giao dịch của nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự cố này chỉ xảy ra trong một ngày, không kéo dài như thời điểm hiện tại.

Thực tế, trên thế giới đã từng xảy ra nhiều vụ tấn công mạng nổi bật đối với các sàn chứng khoán. Nên việc một công ty chứng khoán ở Việt Nam bị tin tặc tấn công là chuyện khó tránh. Đây cũng là bài học kinh nghiệp để các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tăng cường công tác an ninh mạng, đầu tư mạnh mẽ hơn vào bảo mật hệ thống.

Có thể kể đến sự cố Sàn chứng khoán New Zealand (NZX) khi vào tháng 8/2021, NZX đã phải đối mặt với một loạt các cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS), khiến sàn giao dịch phải ngừng hoạt động trong 4 ngày.

Hay vào năm 2010, tin tặc đã xâm nhập vào mạng lưới của Nasdaq và có thể di chuyển không bị phát hiện trong nhiều tháng, đồng thời cài đặt phần mềm độc hại nhằm gây rối loạn hệ thống giao dịch. Năm 2016, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã bị tin tặc xâm nhập vào hệ thống EDGAR, nơi lưu trữ các tài liệu tài chính quan trọng….

BAOVIET Bank nhận giải thưởng về mảng ngoại hối năm 2023

0

LSEG FX Awards là giải thưởng thường niên do Sở Giao dịch Chứng khoán London (LSEG) trao tặng cho các Tổ chức tín dụng và Chi nhánh các ngân hàng nước ngoài có hoạt động kinh doanh ngoại hối xuất sắc tại thị trường Việt Nam trong năm.

Các giải thưởng được trao tặng dựa trên những tiêu chí khắt khe về thống kê giao dịch của các thành viên trên hệ thống giao dịch liên ngân hàng của LSEG.

Trong danh mục giải thưởng năm 2023 có: Most Active Bank, Most Volume Traded, Best Matching Foreign Bank, Top 5 Volume Traded, Best FXall Taker, Best Fixed Income Bank và Best Newcomer.

Giải thưởng Best Newcomer – Tân binh xuất sắc nhất năm 2023 được trao cho BAOVIET Bank dựa trên số liệu thống kê các ngân hàng sử dụng hệ thống giao dịch ngoại tệ tự động liên ngân hàng (LSEG FX Matching) dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, BAOVIET Bank đạt khối lượng giao dịch ngoại hối lớn nhất thị trường trong những ngân hàng mới tham gia hệ thống trong năm 2023.

Khách hàng giao dịch tại BAOVIET Bank Chi nhánh Sở Giao dịch.

Đây là giải thưởng danh giá và uy tín trong hoạt động kinh doanh ngoại hối mà BAOVIET Bank lần đầu tiên đạt được, khẳng định sự nỗ lực không ngừng của BAOVIET Bank để hoàn thiện về sản phẩm, chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất, đồng thời từng bước có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thị trường, nâng cao uy tín của BAOVIET Bank trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối.

Săn cổ phiếu cổ tức cao

0

Cổ phiếu của các doanh nghiệp có cổ tức cao, đều đặn thường có triển vọng tăng giá tốt

(ĐTCK) Chính sách cổ tức của doanh nghiệp luôn là chủ đề “nóng” trong mỗi mùa đại hội cổ đông. Thực tế, có những nhà đầu tư rất thành công với chiến lược “săn cổ phiếu, ăn cổ tức”.

“Gà đẻ trứng vàng”

Ngày 2/4 tới là ngày cuối cùng chốt danh sách dự đại hội cổ đông của CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP). Với truyền thống trả cổ tức “khủng”, chính sách cổ tức năm 2024 của Nhựa Bình Minh là thông tin đang được giới đầu tư chờ đợi, nhất là trong mùa đại hội cổ đông năm ngoái, lãnh đạo doanh nghiệp này đã tiết lộ “có thể trả cổ tức cao cho đến năm 2025”. Trước đó, trong 4 năm liên tục, từ 2020 – 2023, Nhựa Bình Minh đều duy trì tỷ lệ cổ tức bằng tiền trên 100%. Thậm chí, năm 2023, tỷ lệ cổ tức của doanh nghiệp này lên tới 118%.

Năm qua, Nhựa Bình Minh ghi nhận tổng doanh thu thuần 5.157 tỷ đồng, giảm 11,2% so với năm 2022, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 1.041 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của Công ty.

Đến thời điểm này, Nhựa Bình Minh chưa công bố chỉ tiêu kinh doanh năm 2024. Trong báo cáo phân tích về cổ phiếu ngành nhựa phát hành mới đây, FPTS nhận định, biên lợi nhuận gộp ngành nhựa nói chung trong năm 2024 sẽ giảm 4,3 điểm phần trăm so với mức đỉnh của năm 2023 do giá hạt nhựa dự báo phục hồi trong năm 2024 khi nhu cầu trên thế giới dần cải thiện. Tuy nhiên, biên lợi nhuận ngành này sẽ vẫn đạt mức cao, khoảng 30,8%, so với mức trung bình 25,3% của giai đoạn 2018 – 2022.

Thị giá cổ phiếu BMP đang ở vùng đỉnh lịch sử, khi chốt phiên 21/3 ở mức 111.300 đồng/cổ phiếu. Nhưng nếu Công ty duy trì mức cổ tức 100% (tương ứng 10.000 đồng/cổ phiếu) thì tỷ lệ cổ tức/thị giá BMP hiện tại là trên 9%, cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm.

Ngày 29/3 tới, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Hội đồng quản trị DGC dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 10.200 tỷ đồng, tăng 4,7% so với mức thực hiện năm 2023; lãi sau thuế 3.100 tỷ đồng, giảm 4% so với năm ngoái; cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 30% (tương ứng tổng số tiền trả cổ tức là 1.139,3 tỷ đồng). Vài năm trở lại đây, cổ phiếu DGC được nhà đầu tư chú ý nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng và việc phân phối lợi nhuận rất cao cho cổ đông. Chỉ riêng năm 2023, cổ đông của doanh nghiệp này nhận về khoản cổ tức lên tới 4.000 đồng/cổ phiếu (gồm 1.000 đồng cổ tức còn lại của năm 2022 và 3.000 đồng tạm ứng cổ tức năm 2023).

Tại đại hội cổ đông sắp tới, DGC sẽ trình phương án sáp nhập Công ty Phốt pho 6 vào Công ty TNHH Hoá chất Đức Giang Lào Cai và nghiên cứu sáp nhập CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam vào DGC. Hiện DGC đang sở hữu 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang Lào Cai, đơn vị này lại sở hữu 51% vốn tại Phốt pho Apatit Việt Nam (mã PAT). PAT cũng được biết đến là doanh nghiệp chi trả cổ tức khủng trong năm 2023, với tỷ lệ lên đến 197% bằng tiền mặt. Doanh nghiệp này cũng dự kiến cổ tức năm 2024 tiếp tục ở tỷ lệ ba con số.

Ngoài các doanh nghiệp trên, sàn chứng khoán còn một số doanh nghiệp được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho cổ đông, nhà đầu tư. Chẳng hạn, CTCP Mía đường Sơn La trong niên độ tài chính 2023 trả cổ tức bằng tiền mặt 15.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 150% vốn điều lệ, cao hơn 50% so với kế hoạch. Với mức giá giao dịch bình quân quanh 150.000 đồng/cổ phiếu, tỷ suất cổ tức trên thị giá SLS rơi vào khoảng 10%, cao gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm dài hạn. SLS dự kiến, trong niên độ kế toán từ ngày 1/7/2023 đến 30/6/2024, Công ty sẽ trả cổ tức tỷ lệ 50%/vốn điều lệ. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, cổ tức thực trả có thể cao hơn nhiều, bởi SLS có truyền thống đặt kế hoạch khiêm tốn hơn thực tế.

Một doanh nghiệp khác có mức trả cổ tức “khủng” là CTCP Cadivi (mã CAV). Năm 2023, Cadivi đã chi trả tổng cộng 5 đợt cổ tức bằng tiền với tổng tỷ lệ 140%. Hiện CAV đang giao dịch ở mức giá 74.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 21/3) và đây vẫn là mức giá hấp dẫn khi nhìn ở khía cạnh so sánh tỷ lệ cổ tức so với thị giá.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS nhận xét, trên sàn chứng khoán, những doanh nghiệp chi trả cổ tức ở mức trên 100% chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này thường có thị giá khá cao và không phải lúc nào muốn cũng mua được số lượng lớn, vì thanh khoản thường khá thấp do cổ đông có xu hướng nắm giữ để “ăn” cổ tức. Tuy nhiên, nếu đi theo chiến lược đầu tư dài hạn, những cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức cao luôn là một lựa chọn hợp lý.

Săn cổ phiếu theo thông tin cổ tức, chú ý độ bền

Trên thị trường chứng khoán, cổ tức là một yếu tố để nhà đầu tư xem xét trong quyết định đầu tư. Yếu tố quan trọng hơn vẫn là triển vọng tăng giá của cổ phiếu. Bởi lẽ, sau chia cổ tức, giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh, nếu giá cổ phiếu không tăng sau khi chia cổ tức đồng nghĩa với nhà đầu tư không được lợi (thậm chí còn bị lỗ nếu giá cổ phiếu đi xuống). Nhưng thực tế, yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định triển vọng tăng trưởng của giá cổ phiếu là triển vọng tăng trưởng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp – điều mà các doanh nghiệp có cổ tức cao, đều đặn thực hiện được.

Thực tế cho thấy, giá cổ phiếu của những doanh nghiệp thuộc nhóm này như FPT, BMP, DGC… đều nhanh chóng về mức trước ngày chia cổ tức. Chẳng hạn, cổ phiếu FPT đang ở vùng gần 115.000 đồng/cổ phiếu, ở vùng đỉnh lịch sử nhờ triển vọng kinh doanh tiếp tục tăng trưởng hai con số. Trong tài liệu đại hội cổ đông năm 2024, FPT dự kiến sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2024 với chỉ tiêu doanh thu khối kinh doanh đạt 61.850 tỷ đồng, tăng trưởng 17,5% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế khối kinh doanh đạt 10.875 tỷ đồng, tăng trưởng 18,2%; cổ tức dự kiến 20% bằng tiền mặt, tương đương năm 2023.

Hàng chục năm nay, cổ đông FPT đều nhận khoản cổ tức từ 20 – 50% (bao gồm cổ phiếu và tiền mặt). Cộng với việc thị giá tăng tốt, cổ phiếu FPT đem lại khoản lợi suất rất tốt cho cổ đông, nhà đầu tư. Ngay cả những nhà đầu tư “đu” ở vùng giá gần 500.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2006 và nắm giữ thì đến nay, tài khoản cũng đã nhân lên nhiều lần.

“Những doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức từ 10% trở lên đi kèm với triển vọng tăng giá của cổ phiếu sẽ là mức sinh lời thỏa đáng”, ông Lê Đức Khánh nhận định.

Theo gợi ý từ chuyên gia này, các nhóm doanh nghiệp đang đáp ứng được tiêu chuẩn vừa có triển vọng kinh doanh tốt, vừa duy trì được mức cổ tức tốt qua từng năm gồm công nghệ viễn thông, dược phẩm, tiêu biểu như FPT, CMG, CTR, ELC, DHG, IMP, DBD…; nhóm dầu khí, tiêu biểu là PVS, PVD, GAS; nhóm tiện ích điện nước, tiêu biểu là BWE, TDM, BTP, VSH; nhóm bảo hiểm, tiêu biểu là PVI, BVH, BMI…

Ngân hàng cũng là nhóm đảm bảo được hai yếu tố về tiềm năng tăng trưởng và tỷ lệ cổ phiếu ổn định, theo góc nhìn của ông Khánh. Năm 2023, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã VIB) dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ; trong đó, cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, cổ tức bằng cổ phiếu là 17%. Mức cổ tức năm 2024 của VIB dự kiến tối thiểu đạt 20%. Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (mã TCB) cũng dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận, tương đương 4-5% vốn chủ sở hữu của Ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.

Hay Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) cũng lên kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt…

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) cho rằng, trong giai đoạn thị trường xuất hiện nhiều biến động về chỉ số nói chung và từng mã cổ phiếu nói riêng, việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ với mức chi trả cổ tức cao và có sức chống chịu tốt với thị trường chung được đánh giá là một chiến lược phù hợp đối với các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp. Tiêu chí để lựa chọn các cổ phiếu này bao gồm dòng tiền kinh doanh ổn định, mô hình kinh doanh ít rủi ro và biến động, lịch sử chia cổ tức đều đặn và đang ở vùng định giá hợp lý. Bên cạnh một số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành thủy điện, nhiệt điện, dược phẩm, nước giải khát hay mía đường được đánh giá là đáp ứng đủ các yếu tố về mặt triển vọng kinh doanh lẫn cổ tức hợp lý.