Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố tài liệu về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, phục vụ cho phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV. Trong đó, kiến nghị, trong một số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu.
Xu hướng nợ xấu sẽ còn tăng mạnh
Đánh giá lại kết quả cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu được triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện nợ xấu nội bảng của các TCTD được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức an toàn.
Tuy nhiên, năm 2021 dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của các doanh nghiệp trong nước đã khiến nợ xấu bật trở lại cũng như tái cơ cấu hệ thống gặp khó khăn.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế – xã hội mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành mới đây, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh thông tin thêm về tình hình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và diễn biến nợ xấu.
Theo đó, mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng nợ xấu tiềm ẩn về dưới 3%/tổng dư nợ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, tỷ lệ này vẫn trên 3%.
“Nếu không có COVID-19 thì chắc chắn đạt được chỉ tiêu này. Chúng ta thường ví von ngành ngân hàng là con thuyền còn nền kinh tế là dòng sông. Nước nổi thì thuyền nổi mà nước xuống thì thuyền cũng xuống theo. Khi nền kinh tế phát triển tốt, doanh nghiệp làm ăn tốt thì nợ xấu thấp, khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn thì đương nhiên nợ xấu sẽ tăng”, Phó thống đốc dẫn giải.
NHNN đánh giá độ trễ của tác động từ dịch sẽ còn tác động cả sang năm 2022. Do đó, ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, xu hướng nợ xấu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. NHNN dự kiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay sẽ ở mức từ 7,1% – 7,7%, xấp xỉ 8% khi các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.
Thực tế, nhìn vào báo cáo tài chính quý II của gần 30 ngân hàng với tổng số dư nợ xấu đến thời điểm ngày 30/6/2021 đã tăng 4,5% so với cuối năm trước, lên gần 125.000 tỷ đồng, cũng là vấn đề lo lắng. “Chúng tôi thấy điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe hệ thống ngân hàng, khi các nhà băng vừa đáp ứng vốn cho nền kinh tế đồng thời phải có các biện pháp đảm bảo an toàn, sức khỏe của toàn hệ thống”, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.
Đáng lưu ý, nhiều ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng trưởng đến 2 con số. Điển hình như VietinBank, Vietcombank, Agribank đều ghi nhận tăng với mức tăng lần lượt là 52%, 31,3% và 13,5%…
Có thể dùng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu
Để tránh một “cú sốc” nợ xấu trong những năm tới, hiện các ngân hàng đang nỗ lực tăng “bộ đệm” dự phòng. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết ngân hàng tăng trong nửa đầu năm nay đang ở mức khá cao. Như tại Vietcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 352%, tăng đến 98% so với cùng kỳ và cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành. Techcombank, MB và ACB cũng đạt tỷ lệ bao phủ nợ xấu rất cao, lần lượt là 259%, 237% và 208% đến cuối tháng 6/2021…
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng dồi dào nguồn lợi nhuận, do đó, nhiều nhà băng vẫn gặp khó khăn trong trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức “khiêm tốn”. Có thể kể đến: PGBank tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến hết tháng 6/2021 mới chỉ đạt 33% hay Viet Capital Bank chỉ đạt 45%…
Để kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tiến tới thành lập thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trong một số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là việc cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu.
Việc dự kiến lợi ích và chi phí cụ thể của các nhiệm vụ cơ cấu lại như vậy sẽ được ước tính và đề xuất cụ thể tại các Đề án và kế hoạch cơ cấu lại của ngành và lĩnh vực, như tại Đề án cơ cấu lại các TCTD.
Trong giai đoạn 2016 – 2020 khi xây dựng dự thảo Đề án Tái cơ cấu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng đề nghị Chính phủ dùng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu ngân hàng và ngay lập tức vấn đề này được mang ra bàn luận, mổ xẻ trong suốt thời gian qua.
Số ý kiến ủng hộ thì cho rằng, nợ xấu của ngân hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và tình trạng lạm phát. Nếu xử lý được nợ xấu sẽ góp phần giảm được lãi suất cho vay, tác động tích cực đến nền kinh tế, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Ngược lại, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, việc hỗ trợ cho ngân hàng sẽ không công bằng với các thành phần doanh nghiệp khác. Nếu so sánh về sự khó khăn và các yếu tố để được hỗ trợ thì doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hơn vì giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, trong khi đó, ngân hàng vẫn kinh doanh lãi cao. Vì vậy, cuối cùng kiến nghị đã không được thông qua.