5 nhóm giải pháp để trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh dẫn vốn quan trọng

0
105

Phát biểu tại tọa đàm cấp cao, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, trái phiếu doanh nghiệp là chủ đề rất được quan tâm trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán cũng như định hướng phát triển thị trường vốn trái phiếu doanh nghiệp.

Trong những năm qua, bên cạnh tín dụng ngân hàng thì phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh huy động vốn quan trọng. Trước những diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ Tài chính đã có các định hướng, giải pháp để trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả, vừa bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp, vừa góp phần phát triển thị trường tài chính lành mạnh và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Tại tọa đàm cấp cao, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã nêu 5 nhóm giải pháp mang tính đồng bộ để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định, bền vững, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, cụ thể:

Nhóm giải pháp thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của thị trường, rà soát các luật liên quan trực tiếp đến quyền được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động vốn là Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán. Trong đó, có ba nhóm vấn đề xem xét báo cáo trình Quốc hội, gồm: điều kiện đối với doanh nghiệp xin chào bán trái phiếu; điều kiện đối với nhà đầu tư được phép tham gia đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp; cách thức phát hành riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng.

Nhóm giải pháp thứ hai, cần đa dạng và cải thiện cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Bởi hiện nay thiếu rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức và cần tổ chức đào tạo và nâng cao hiểu biết, kỹ năng cho các nhà đầu tư trong quá trình phân tích những rủi ro tài chính của doanh nghiệp, để đưa ra quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình.

Nhóm giải pháp thứ ba, nâng cao chất lượng của các định chế trung gian tài chính tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng, công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, định mức tín nhiệm của doanh nghiệp…

Nhóm giải pháp thứ tư, tăng cường giám sát, kiểm tra trong quá trình phát hành trái phiếu, đặc biệt phải thể chế hóa và phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, các cơ quan chức năng trong quá trình giám sát, kiểm tra phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Nhóm giải pháp thứ năm, công tác truyền thông phải minh bạch, kịp thời đến công chúng, đến xã hội về các chính sách, quy định của pháp luật đối với việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trên cơ sở đó đưa ra khuyến nghị đối với thị trường đề phòng các rủi ro để có thị trường trái phiếu lành mạnh.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcNâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng
Bài tiếp theo3 vấn đề lớn về tài chính đất đai, 3 nội dung đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây