Theo ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, với mức tăng trưởng 4,67% so với cuối năm 2022, tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cả nước (tăng 7,39%). Với tốc độ tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất so với cùng kỳ trong những năm gần đây.
Xét về số tuyệt đối, tín dụng nền kinh tế của TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng tương đương 27% so với cả nước.
Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân cho vay với số tiền khoảng 581.000 tỷ đồng cho gần 180.000 khách hàng, bằng 111,7% so với gói tín dụng ưu đãi các tổ chức tín dụng đăng ký theo kế hoạch năm, với quy mô gói là 520.000 tỷ đồng.
“Mặc dù con số tăng trưởng tín dụng không cao, song đặt trong bối cảnh chung hiện nay thì kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm và làm cơ sở nền tảng tốt cho năm 2024 – năm được dự báo còn nhiều khó khăn thách thức”, ông Lệnh chia sẻ.
Từ nay đến cuối năm, để kích thích tăng trưởng, trong ngắn hạn, ngành Ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, dịp Tết nhu cầu vốn tăng cao. Theo đó, các ngân hàng duy trì đảm bảo nguồn vốn cho nhu cầu vay dịp Tết…
Ông Lệnh cho biết, hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kết quả này, gắn liền với những giải pháp toàn diện về cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thực hiện thông qua các chương trình hành động cụ thể, thiết thực của ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các thị trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đặt trong bối cảnh tình hình chung còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo đó, cơ chế chính sách đã tạo nền tảng hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và sử dụng đồng bộ các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng.
Việc kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (chỉ số CPI bình quân 10 tháng tăng 3,43% so với cùng kỳ) từ đầu năm tới nay là kết quả nổi bật và mang đậm dấu ấn chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Hiện nay, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã và đang tác động đến toàn bộ các doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ theo hai xu hướng tích cực. Đối với doanh nghiệp còn khó khăn, thì việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi hoạt động, tạo lập dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng. Đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng.
Quá trình này, đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế: Xuất khẩu, Nông nghiệp và nông thôn; Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm và trong năm 2023, theo ông Lệnh, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, thì rất cần các giải pháp, chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.
“Chúng ta cần có niềm tin. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư tốt, niềm tin của người dân vẫn còn. Ngành Ngân hàng thực thi và triển khai chính sách, doanh nghiệp cũng cần làm tốt thì sẽ khơi thông được dòng vốn”, ông Lệnh nhận định.